Hội thảo Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Ngày 24-5, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo Khoa học “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước”.

Tham dự Hội thảo về phía Trung ương có đồng chí: Bùi Nhật Quang, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam. Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Trứ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học-xã hội Việt Nam, Viện Khoa học Năng lượng, Viện Kinh tế Việt Nam, Đại học Kinh tế quốc dân và các nhà đầu tư về năng lượng điện gió và điện mặt trời.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: NAT

Với điều kiện khí hậu khô hạn, gió to và nắng nóng nhất cả nước, Ninh Thuận có lợi thế lớn để phát triển NLTT. Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng, với lượng gió thổi đều quanh năm, tốc độ gió trung bình ở độ cao 65 m đạt 7,25 m/giây; nguồn bức xạ mặt trời vào khoảng 1.800 KWh/m2/năm, đây là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Với tiềm năng này, Ninh Thuận đang tập trung nguồn lực đầu tư để khai thác có hiệu quả ngành công nghiệp năng lượng. Đặc biệt, với sự quan tâm của Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 “Về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023”, Ninh Thuận đã được hưởng cơ chế ưu đãi đặc thù để phát triển năng lượng xanh. Những cơ chế đặc thù của Chính phủ và địa phương đã hình thành làn sóng đầu tư mạnh mẽ các dự án điện NLTT vào địa bàn tỉnh, đưa NLTT trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã khẳng định phát triển NLTT đang trở thành một xu thế tất yếu của các nước trên thế giới để thay thế năng lượng hóa thạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, Ninh Thuận hiện đang gặp những khó khăn, thách thức trong phát triển trở thành trung tâm NLTT của cả nước, như: cơ sở vật chất và hạ tầng còn hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất và truyền tải điện; số lượng và chất lượng nguồn nhân lực địa phương còn nhiều hạn chế; quy mô doanh nghiệp địa phương còn rất nhỏ, tiềm năng về vốn và năng lực công nghệ thấp; mức độ ổn định hoặc biến thiên của tốc độ gió, bức xạ mặt trời thiếu sự ổn định; các rào cản về pháp lý và hành chính; chưa có Luật NLTT để trở thành nền tảng pháp lý đủ mạnh để quy định về hàng loạt các cơ chế chính sách hết sức cần thiết như cơ chế giá, yêu cầu về công nghệ, vấn đề thành lập các quỹ phát triển, chế tài xử lý vi phạm.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và doanh nghiệp đã góp ý, hiến kế một số giải pháp để góp phần phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước như: cơ chế, chính sách đặc thù; vấn đề huy động các nguồn lực; định hướng và giải pháp phát triển bền vững ngành năng lượng sạch; vấn đề quản lý vận hành nhà máy điện mặt trời, điện gió, bảo vệ môi trường và quản lý đất đai khi phát triển các dự án NLTT. Đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm trong vận hành các nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết đối với mục tiêu phát triển Ninh Thuận là Trung tâm NLTT. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, UBND tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện các giải pháp cụ thể trong chương trình phát triển để hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp năng lượng bền vững tại Ninh Thuận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

  Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án, đến nay Ninh Thuận đã vượt lên dẫn đầu cả nước với 8 dự án điện gió và điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 13 dự điện mặt trời với tổng công suất 686MWp đưa vào vận hành thương mại; nâng tổng công suất điện mặt trời đưa vào vận hành là 1.317 MWp, góp phần quan trọng vào giải quyết sự thiếu hụt trầm trọng nguồn năng lượng Việt Nam và chính thức trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã tác động mạnh mẽ vào tăng trưởng và phát triển Ninh Thuận toàn diện trên các lĩnh vực; lần đầu tiên trong những nhiệm kỳ gần đây Ninh Thuận hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng GRDP 2018, tăng 10,25%, thu ngân sách đạt 2.900 tỷ. Riêng quý I-2019, thu ngân sách đạt 1.679 tỷ đồng, đạt 62,19% kế hoạch năm. Với sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, sự đồng hành hợp tác, góp sức của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp cộng với khát vọng đổi mới tạo sự bứt phá của chính quyền và nhân dân, tin rằng trong tương lai không xa Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm NLTT của cả nước.

 PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NLTT cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào chiều sâu hiệu quả, lợi thế so sánh. Là địa phương có lợi thế về nắng và gió, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển NLTT để bứt phá rút ngắn khoảng cách với các tỉnh phát triển trong vùng và cả nước. Trên cơ sở quy hoạch điện lực quốc gia, Ninh Thuận cần xây dựng quy hoạch NLTT của tỉnh đảm bảo phù hợp với xu thế trên tinh thần sẵn sàng cập nhật và thay đổi để bắt kịp sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số và giảm giá thành. Địa phương cũng cần tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đề xuất Chính phủ cho Ninh Thuận thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp theo hình thức đấu giá năng lượng tái tạo; tháo gỡ khó khăn, rào cản để thu hút đầu tư từ các nguồn lực mới để gia tăng nguồn cung điện năng từ năng lượng tái tạo; nâng cao hạ tầng truyền tải điện năng tỉnh Ninh Thuận và vùng phụ cận.


Tiến sỹ Vũ Minh Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Khoa học Năng lượng:

Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời tốt nhất trong cả nước và đến nay đã thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư trong nước, quốc tế phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên để phát triển trở thành trung tâm NLTT hiện vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn do hiện chưa có chính sách khung của nhà nước cho thu hút, chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu cho Trung tâm NLTT quốc gia; việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để đáp ứng cho nhu cầu phát triển lĩnh vực này còn hạn chế. Do đó cần xác định các giải pháp để xây dựng Ninh Thuận trở thành vũng lõi về phát triển NLTT của cả nước như: giải pháp tối ưu hóa khai thác tiềm năng lợi thế, nâng cấp hạ tầng lưới điện truyền tải và phân phối; chính sách thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ. Cùng với đó các bộ, ngành liên quan và tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn trong quá trình xây dựng Trung tâm NLTT quốc gia, triển khai dự án cho các nhà đầu tư; quan tâm đầu tư định hướng hoạt động khoa học công nghệ tập trung phân tích, đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong các dự án NLTT và nghiên cứu đánh giá khả năng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật mới để phục vụ khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng sạch.