Tìm thương hiệu cho cây trái Lâm Sơn

Cần một thương hiệu của trái cây Lâm Sơn nói riêng và thương hiệu của trái cây Ninh Thuận nói chung, để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Nhiều năm trở lại đây, cây ăn trái vẫn luôn được xem là thế mạnh của xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Với nhiều loại trái cây nổi tiếng như chôm chôm, sầu riêng, vú sữa…, cây trái Lâm Sơn đã có được chỗ đứng trên thị trường tỉnh nhà. Tuy nhiên, đa phần là vườn tạp nên việc tìm một thương hiệu riêng để mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân chính là vấn đề còn nhiều băn khoăn của địa phương này.

Lâm Sơn phát triển kinh tế vườn, với nhiều loại trái cây đặc sản.
Trong ảnh: Thu hoạch Chôm Chôm. Ảnh: Văn Miên

Với diện tích đất tự nhiên 14.887 ha, hệ thống thủy lợi luôn được đảm bảo, hơn 10 năm trước, Lâm Sơn bắt đầu xuất hiện mô hình vườn cây ăn trái, sau đó tiếp tục lan rộng trên toàn xã. Theo thống kê, năm 2005, Lâm Sơn chỉ có khoảng 149ha vườn, đến năm 2010, con số này đã tăng 496ha, trong đó các loại cây chủ yếu cũng tăng lên 196ha. Tuy nhiên, theo đồng chí Thái Dương Hoài Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã, mặc dù diện tích vườn luôn được nhân rộng qua từng năm, nhưng bà con vẫn chưa đi sâu vào vùng vườn chuyên canh để phát triển những loại cây giá trị, có chỗ đứng trên thị trường ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn vốn đầu tư cũng là vấn đề nan giải với nhiều hộ dân ở Lâm Sơn. Chị Lê Thị Ánh (thôn Lâm Phú) có 2ha sầu riêng, chôm chôm, bưởi, vú sữa, ổi…hàng năm thu lời từ 30-40 triệu cho gia đình, cho biết nếu chuyên canh vườn phải phá bỏ một số loại cây, nhưng ai sẽ đảm bảo những loại cây tập trung xây dựng thương hiệu sẽ có được đầu ra xứng đáng cho người trồng, vì khi chuyển hướng canh tác cũng mất ít nhất vài năm. Khó khăn là vậy, tuy nhiên theo ông Hiếu, từ cuối năm 2008 đến nay, đã có một số chủ vườn mạnh dạn phá bỏ loại vườn tạp, tập trung vào trồng chuyên canh một số loại cây thế mạnh, hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng hạt lép, măng cụt, chôm chôm, nhãn. Tiêu biểu trong số đó, có anh Nguyễn Minh Sơn (thôn Gòn 2) chủ hơn 1,2ha vườn trồng đã mạnh dạn chuyển đổi từ vườn tạp trồng xen kẻ nhiều loại cây sang vườn chuyên canh. Hiện nay vườn nhà anh Sơn chỉ có 2 loại cây là sầu riêng và măng cụt. Anh Sơn cho biết: “Dù mới thử nghiệm, nhưng tôi thấy với mô hình này, thời gian đến bà con mình sẽ có được một loại trái cây gắng liền thương hiệu Lâm Sơn.”

Để hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái, hướng đến việc tìm thương hiệu cho vùng cây trái Lâm Sơn trong giai đoạn 2011-2015. Bà Toàn Thị Ổn, Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Ninh Sơn cho biết: “Huyện đang xây dựng đề án vùng cây ăn quả đặc sản. Sau khi quy hoạch cụ thể, xác định được loại cây thế mạnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư để người trồng an tâm chuyển đổi. Đồng thời cũng sẽ kiến nghị hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật cho bà con, nhằm cho ra các loại quả chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao”

Hiện nay, diện tích vườn cây ăn trái ở Lâm Sơn tập trung chủ yếu ở ba thôn: Lâm Hà, Lập Lá, Gòn 2; ngoài ra còn có 300ha mít ruột đỏ (loại cây ăn quả mới) thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng. Theo kế hoạch của UBND xã, năm 2011 này, sẽ có khoảng 200ha vườn chuyên canh ba loại cây sầu riêng, măng cụt, mít ở các vùng; thôn Gòn 2, Lập Lá, Suối Le và Lâm Phú được hình thành.

Những định hướng về chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả ở Lâm Sơn là bước phát triển cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, hướng đến tìm cần một thương hiệu của trái cây Lâm Sơn nói riêng và thương hiệu của trái cây Ninh Thuận nói chung, để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.