Phát huy tiềm năng để phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

Ninh Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT): bức xạ mặt trời, mật độ gió,...). Theo nhiều số liệu khảo sát và nghiên cứu đã công bố:

Về tốc độ gió: Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/giây (trung bình 7,5m/s- lớn hơn trung bình cả nước, chỉ khoảng 6m/s), đây là điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió. Đặc biệt, Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng, đảm bảo ổn định cho Turbin gió phát điện. Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2574/QĐ-BCT ngày 23-4-2013, Ninh Thuận có 5 khu vực được quy hoạch, với tổng diện tích 21.432 ha, công suất có thể lắp đặt 1.429 MW. Ngoài ra với bờ biển dài 105 km, tốc độ gió cao trên 8m/s, có thể phát triển các dự án điện gió ven biển với công suất trên 1.000 MW.

Điện gió Đầm Nại (Thuận Bắc) là dự án điện năng lượng tái tạo
đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận đưa vào hoạt động thương mại. Ảnh: Văn Miên

Về bức xạ mặt trời bình quân hàng năm: Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600-2.800h (tức vào khoảng 200 ngày nắng trong năm). Tổng bức xạ nhiệt trung bình rất cao: 1.780- 2.015 kWh/m2/năm (tức khoảng 5,221 kWh/m2, cao hơn các tỉnh miền Bắc (4,0 kWh/m2) và cao hơn các tỉnh phía Nam (gần 5,0 kWh/m2). Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận trình Bộ Công Thương, đến năm 2030 có thể lắp đặt công suất khoảng 8.442MW.

Về tiềm năng thủy điện nhỏ: Tỉnh đã cấp chủ trương khảo sát cho 7 dự án và đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, quy mô công suất 1.429,8 MW (tính cả dự án thuỷ điện tích năng Bác Ái).

Tiềm năng điện khí: Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia và chủ trương của Chính phủ, tại khu vực Cảng tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam) có thể phát triển dự án Tổ hợp Điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) gồm 5 nhà máy, công suất thiết kế đến 6.000 MW.

Như vậy, tổng công suất có thể phát triển các dự án NLTT trên địa bàn tỉnh lên đến 19.000 MW. Với những tiềm năng nêu trên, có thể nói tỉnh Ninh Thuận đã hội đủ những tiền đề rất cơ bản để phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo- năng lượng sạch của cả nước sau này.

Năng lượng tái tạo được xác định là một trong những lĩnh vực có thế mạnh, cần ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Thuận. Theo Nghị Quyết số 06-NQ/TU, 26-10-2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định nội dung, mục tiêu phát triển công nghiệp năng lượng: Xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, tập trung thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng.

Tình hình đầu tư các dự án trên lĩnh vực năng lượng sạch:

Trong những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước. Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút đầu tư rất nhiều dự án NLTT, trong đó:

Đối với dự án thủy điện nhỏ: Tỉnh đã cấp chủ trương khảo sát cho 7 dự án và đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, quy mô công suất 1.429,8 MW; trong đó, có 5 dự án: Thuỷ điện Tân Mỹ (10MW); Thủy điện Tân Mỹ 2 (14MW); Thủy điện Mỹ Sơn (20MW); Thủy điện Thượng Sông Ông 1(5,8MW); Thủy điện Đa Nhim mở rộng (160MW) đã được tỉnh cấp chủ trương đầu tư với quy mô công suất 209,8 MW; đến nay đã có 6 Nhà máy vận hành, với tổng công suất lắp đặt gần 280 MW.

Về dự án điện gió: Đã có 12 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng công suất gần 750 MW, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1, đưa vào vận hành thương mại, tổng công suất 117 MW và 1 dự án khởi công (50 MW) trong tháng 4-2019.

Về dự án điện mặt trời: Đã chấp thuận chủ trương cho khảo sát, lập dự án đối với 54 dự án (công suất trên 3.500 MW), trong đó đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực và UBND tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 31 dự án (tổng quy mô công suất 1.966 MW~2.458 MWp), tổng vốn đăng ký trên 50.000 tỷ đồng. Tính đến 5 tháng đầu năm 2019, đã có 7 dự án đã thử nghiệm xong, chính thức phát điện thương mại với tổng công suất 454MW. Dự kiến đến thời điểm 30-6-2019, có thêm 7 dự án nữa sẽ phát điện thương mại, nâng tổng công suất hòa lưới khoảng 885 MW. Trong năm 2019, tiếp tục đôn đốc tiến độ thêm 5 dự án, lũy kế công suất phát điện đạt 1.200 MW (19 dự án). Số dự án còn lại (12 dự án-613,78MW) sẽ vào vận hành trong năm 2020.

Về dự án điện khí: Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ; trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu các điều kiện tự nhiện có lợi thế và đặc thù tại khu vực Cà Ná (Thuận Nam); tỉnh đã thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án điện-khí, hiện đã có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm và đang tiến hành khảo sát nghiên cứu, lập thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Hiện nay tỉnh Ninh Thuận đã lập hồ sơ bổ sung Quy hoạch điện lực dự án Trung tâm Điện lực Cà Ná với quy mô công suất 6.000 MW, quy mô kho - cảng khí LNG từ 5-8 triệu tấn/năm và cảng nhập khí LNG đến 267.000 m­­­3­­; hiện Bộ Công Thương đã thẩm tra hồ sơ và gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong năm 2018, từ thu hút đầu tư trong lĩnh vực NLTT, các hoạt động xây dựng công trình năng lượng đã giúp giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng của tỉnh đạt 11.374,8 tỷ đồng (tăng tưởng 15,8% so cùng kỳ); riêng giá trị xây dựng đạt 4.929 tỷ (tăng 19%); thu hải quan đạt 496,88 tỷ (tăng 20,36 lần); kéo theo các chỉ số tăng trưởng khác như thu ngân sách; tăng trưởng dịch vụ, du lịch, bất động sản,... Các dự án NLTT, năng lượng sạch này khi đi vào hoạt động hết công suất sẽ góp phần đáng kể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung và của tỉnh nói riêng; tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) cũng như thu hút nguồn vốn FDI, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh; góp phần tạo tăng trưởng ngành Công nghiệp đến năm 2020 và nhiệm kỳ sau đạt mục tiêu đề ra 19-20%.

Để tiềm năng trở thành hiện thực, ngoài chính sách tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, cần cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, quyết định cụ thể. Do đó UBND tỉnh đã giao các ngành chức năng tham mưu lập đề án: Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước. Nội dung quan trọng đầu tiên là tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” để từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển này.Mục đích của Hội thảo khoa học nhằm tuyên truyền, quán triệt rộng rãi đến toàn thể Nhân dân, các doanh nghiệp và nhà đầu tư về chủ trương của nhà nước và tỉnh Ninh Thuận về phát triển NLTT; tạo ra một diễn đàn để thu thập ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, nhất là ý kiến của Doanh nghiệp, nhà đầu tư,... làm cơ sở thực hiện và luận cứ khoa học để xây dựng đề án.

Từ Nghị quyết 31/NQ-QH14 ngày 22-11-2016 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân của Quốc hội đến Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó điểm quan trọng nhất là thống nhất chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước, từ đó kịch bản phát triển năng lượng nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của tỉnh đã hoàn toàn thay đổi.

Trung tâm NLTT phải hình thành nhiều cơ sở vật chất trọng tâm như: Trung tâm nghiên cứu- phát triển để chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; cung cấp vật tư, phụ tùng, thiết bị cho các nhà máy NLTT; cung cấp dịch vụ kiểm định, thử nghiệm, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị NLTT để phát triển công nghiệp phụ trợ ngành NLTT,... Tuy nhiên, trung tâm NLTT này chưa hề có tiền lệ, trước đây chưa được nghiên cứu một cách bài bản khoa học vì bao hàm nhiều nội dung lớn gồm các lĩnh vực quan trọng. Có thể nói mô hình trung tâm NLTT chưa định hình trong thực tế; khung chính sách nhà nước về thu hút đầu tư, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển chưa có.... đặt ra rất nhiều thách thức cho việc phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT.

Do vậy, việc xây dựng một Đề án trong đó kiến nghị trung ương về chính sách mang tầm quốc gia để thúc đẩy tỉnh Ninh Thuận phát triển trở thành trung tâm NLTT của Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước và giúp tỉnh Ninh Thuận phát triển đột phá về KT-XH, nhanh và bền vững là hết sức cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Hội thảo khoa học lần này là sự khởi đầu cho việc xây dựng Đề án phát triển Trung tâm NLTT của cả nước.