Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

Với tiềm năng và lợi thế về lượng gió và cường độ nắng lớn nhất cả nước, Ninh Thuận đã tập trung huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, tạo sự đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Định hình Trung tâm năng lượng

Tính đến nay, Ninh Thuận đã thu hút rất nhiều dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư. Về điện gió, đã có 12 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư; trong đó có 3 dự án đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1, đưa vào vận hành thương mại với công suất 117 MW và 1 dự án vừa khởi công vào tháng 4-2019... Về dự án điện mặt trời, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho khảo sát lập dự án đối với 54 dự án, với tổng công suất trên 3.500 MW; trong đó đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển Điện lực và UBND tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 31 dự án, tổng quy mô công suất gần 2.000 MW, với tổng vốn đăng ký trên 50.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có 7 dự án hoàn tất giai đoạn chạy thử nghiệm, chính thức phát điện thương mại với tổng công suất 454 MW. Cụ thể như: Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1, công suất 36,8 MW; Nhà máy điện mặt trời BIM 1, 2 và 3 với tổng công suất 264 MW và Dự án năng lượng mặt trời Trung Nam, giai đoạn 1, công suất 90 MW. Theo kế hoạch, trong năm 2019 tỉnh tiếp tục đôn đốc tiến độ, hoàn thành thêm 5 dự án. Số còn lại 12 dự án sẽ vận hành trong năm 2020.

Dự án năng lượng mặt trời Trung Nam, giai đoạn 1, công suất 90 MW hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút, kêu gọi đầu tư Dự án điện khí và hiện đã có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm, đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng các nhà máy trong Trung tâm điện lực Cà Ná với quy mô công suất 6.000 MW. Ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Với việc các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung và của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như thu hút nguồn vốn FDI, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh; đảm bảo sự tăng trưởng ngành Công nghiệp đến năm 2020 đạt mục tiêu từ 19 đến 20% theo mục tiêu đề ra.

Hướng tới sự phát triển bền vững

Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, từ đó xây dựng kịch bản phát triển năng lượng nói riêng và phát triển kinh tế của tỉnh nói chung vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Theo ông Phạm Đăng Thành, việc xây dựng Trung tâm năng lượng tái tạo như mục tiêu đề ra hiện chưa được nghiên cứu một cách bài bản, khoa học để định hình trong thực tế. Cùng với đó là khung chính sách của nhà nước về thu hút đầu tư, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phụ trợ ngành năng lượng tái tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với nhiều thách thức. Do đó thông qua “Hội thảo khoa học phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” kỳ vọng sẽ tạo ra một diễn đàn để thu thập ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, nhất là các nhà đầu tư, làm cơ sở thực tiễn và luận cứ khoa học để xây dựng đề án, kiến nghị Trung ương về chính sách mang tầm quốc gia để thúc đẩy Ninh Thuận phát triển trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước và giúp địa phương phát triển đột phá nhanh, bền vững trong tương lai. Đây cũng là dịp tuyên truyền sâu rộng đến người dân và các doanh nghiệp nhà đầu tư về chủ trương của nhà nước và của tỉnh Ninh Thuận về phát triển năng lượng tái tạo.