Phát triển nghề nuôi tôm thẻ theo hướng bền vững

Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm thẻ) ở tỉnh ta bắt đầu từ năm 2008, đến nay đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao, góp phần khôi phục những vùng đất ven biển nuôi thủy sản bị bỏ hoang do dịch bệnh.

Tôm thẻ thời gian nuôi ngắn, chỉ khoảng 90 ngày là cho thu hoạch, thị trường tiêu thụ tốt, kể cả trong nước và xuất khẩu. Với những ưu thế vượt trội, diện tích nuôi tôm thẻ ngày càng được mở rộng, đến nay toàn tỉnh đạt 950 ha, sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm. Phần lớn diện tích thả nuôi tôm thẻ tập trung tại các hộ nuôi lớn, áp dụng hình thức sản xuất “cuốn chiếu”, không thả giống đồng loạt, nên hạn chế được dịch bệnh.

Tôm thẻ chân trắng được người tiêu dùng tiêu thụ mạnh. Ảnh: Văn Nỷ

Từ hình thành và phát triển

Khi tôm thẻ mới du nhập vào tỉnh ta, các hộ nuôi mang tích chất tự phát, đến năm 2016, hoạt động sản xuất nuôi tôm thẻ thương phẩm bắt đầu phát triển theo chiều sâu. Bà con tuân thủ lịch thời vụ, các điều kiện sản xuất an toàn và cùng nhau hợp tác, hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm. Nhiều chủ trang trại tôm đầu tư hạ tầng vùng nuôi hoàn chỉnh, ứng dụng kỹ thuật giăng lưới ngăn chim trời, phân ao ươm giống, thực hiện mô hình nuôi thâm canh theo hướng VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Các cơ sở nuôi tôm hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, có trách nhiệm với xã hội, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng xung quanh.

Nhờ được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học-công nghệ, nên đến nay các hộ nuôi tôm thẻ đều áp dụng kỹ thuật VietGAP để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, Trung Tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thí điểm 9 mô hình thủy sản; trong đó, đáng kể là mô hình nuôi tôm trải bạt, nuôi siêu thâm canh có sức lan tỏa, được người dân áp dụng rộng rãi. Tín hiệu đáng mừng là, hiện nay Tổng cục Thủy sản đã cấp Giấy Chứng nhận VietGAP cho Cơ sở nuôi tôm Anh Khoa, quy mô 3 ha; Cơ sở nuôi tôm Phú Hải, quy mô 3 ha; Xí nghiệp nuôi tôm Phan Rang (Công ty Hải Dương), quy mô 6 ha. Chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP giúp các cơ sở củng cố niềm tin với người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh mặt hàng tôm thương phẩm trên thị trường.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hướng đến sản xuất bền vững

Để phát triển nghề nuôi tôm thẻ bền vững, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chế quản lý vùng nuôi; đồng thời, đề ra giải pháp hoàn chỉnh, đầu tư mới các khu quy hoạch vùng nuôi, nâng cấp cơ sở vật chất, bể nuôi ươm, quy trình xử lý nước và lọc nước để có nguồn nước biển sạch phục vụ sản xuất. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác quản lý về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, ngăn chặn tình trạng tôm giống kém chất lượng lưu chuyển trôi nổi ngoài thị trường. Một thực trạng thách thức trong nghề nuôi tôm thẻ hiện nay là vấn đề quản lý chất lượng giống tại các địa phương chưa chặt chẽ. Tình trạng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất Naus kém chất lượng bán tràn lan làm tăng nguy cơ gây bệnh, tôm chậm lớn, để lại hệ quả nặng nề cho hộ nuôi và ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp làm ăn chân chính. Khắc phục tình trạng này, ngành chức năng đề ra giải pháp tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất tôm giống; đồng thời, triển khai dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, giúp hộ nuôi lựa chọn được con giống sạch bệnh, chất lượng tốt.

Đồng chí Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Những năm gần đây, nghề nuôi tôm thẻ gặp khó khăn, hộ nuôi phải đối mặt với tình hình thời tiết diễn biến thất thường, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, chất lượng tôm giống không ổn định. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cho ngành chức năng là phải tiếp tục hỗ trợ hộ nuôi triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến. Tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nhiệp đóng vai trò chủ đạo trong cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm.