Hội Cựu chiến binh tỉnh chăm lo giáo dục thế hệ trẻ

(NTO) Thời gian qua, cùng với các cấp ngành, địa phương, Hội Cựu chiến binh tỉnh bằng nhiều việc làm có ý nghĩa đã thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường và giúp đỡ thế hệ trẻ phát triển kinh tế.

Nổi bật nhất có thể kể đến các hoạt động về nguồn thăm lại các địa điểm kháng chiến với nhiều hoạt động cụ thể như: Kể chuyện truyền thống, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng… Mỗi đợt hành quân về nguồn, được đứng chân trên căn cứ địa cách mạng, được nghe những cựu binh năm xưa kể chuyện, với nhiều bạn trẻ đó không chỉ là chuyến đi mang giá trị kiến thức lịch sử mà điều quan trọng là ở đó các em được sống lại không khí đấu tranh hào hùng của đồng bào ta. Càng hiểu hơn về những mất mát đau thương, tuổi trẻ trong tỉnh lại càng thấm thía, trân trọng và tự hào hơn về giá trị hòa bình, độc lập và tự do hôm nay. Để từ đó, nhắc nhở các em về trách nhiệm công dân của mình. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức được 26 đợt hành quân về nguồn như thế.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh tỉnh nói chuyện truyền thống
với các đoàn viên, thanh niên trong đợt về nguồn tại CK35.

Ngoài ra, để giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho tuổi trẻ tỉnh nhà, nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của địa phương, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã phối hợp với các cấp hội, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tọa đàm, nói chuyện truyền thống, kể chuyện tấm gương các anh hùng liệt sĩ, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tổ chức cuộc thi những mốc son lịch sử; tổ chức các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, nhận chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công, giúp đỡ gia đình cựu chiến binh khó khăn… qua đó, góp phần bồi dưỡng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, phát huy truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” của của dân tộc trong đoàn viên, thanh-thiếu nhi.

Với phương châm “Ở đâu có tổ chức Hội Cựu chiến binh vững vàng, ở đó có phong trào thanh-thiếu nhi tốt” thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh đã phối hợp với các chi đoàn cơ sở thôn, khu phố thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục tư tưởng cho thanh-thiếu nhi tại các buổi giao lưu, sinh hoạt. Năm 2018, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tổ chức 26 buổi nói chuyện truyền thống thu hút sự tham gia của 6.850 lượt đoàn viên, thanh-thiếu niên. Bằng uy tín của mình, các hội viên Hội Cựu chiến binh luôn đi đầu trong tuyên truyền, vận động thanh- thiếu nhi xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh; tích cực vận động thanh niên cùng tham gia phòng chống, tố giác tội phạm, xây dựng thôn, khu phố, chi đoàn không có tội phạm, tệ nạn xã hội; giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tình nguyện vì cộng đồng, tạo môi trường để tuổi trẻ học tập nâng cao và thực hành kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử… Qua đó, góp phần giáo dục lý tưởng sống và các kỹ năng cần thiết cho thanh-thiếu nhi trong thời kỳ hội nhập. Thông qua hoạt động này, các cấp Hội Cựu chiến binh đã quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu hàng trăm thanh niên ưu tú vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chỉ tính riêng 2 năm 2017 và 2018, Hội Cựu chiến binh các cấp đã giới thiệu 95 đoàn viên ưu tú kết nạp Đảng.

Ông Ngô Văn Châu, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cựu chiến binh trong làm kinh tế giỏi, nhiều cựu chiến binh đã mạnh dạn đi đầu và thành công với nhiều mô hình kinh tế như: Cựu chiến binh Đoàn Văn Sắc, ở xã Tân Hải (Ninh Hải) là Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu; Cựu chiến binh Trần Công Thắng, phường Đông Hải ( Tp. Phan Rang- Tháp chàm) đầu tư gần 20 tỷ đồng đóng 4 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, đem về lợi nhuân hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ sự thành công đó, các cựu chiến binh đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên, bộ đội xuất ngũ. Đồng thời, khích lệ, cổ vũ, động viên phong trào sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên tỉnh nhà, đưa phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả được thanh niên thực hiện và nhân rộng. Điển hình như: Mô hình nuôi chim yến phụng của anh Đặng Minh Dũng (ở Tp. Phan Rang- Tháp Chàm); dệt thổ cẩm Chăm- Mỹ Nghiệp, trồng cỏ chăn nuôi bò của anh Hán Văn Luận, mô hình nuôi dê, cừu của anh Trần Quang Dinh (Ninh Phước), măng tây của anh Nguyễn Ngọc Hân (Ninh Hải)… Quan tâm, chăm lo cho thế hệ trẻ sẽ luôn là một phần trách nhiệm được các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh thường xuyên triển khai, thực hiện trong thời gian tới.