Nguyên tắc dinh dưỡng cho người đau dạ dày

Ngày nay số người bị đau dạ dày có xu hướng ngày càng gia tăng và được coi là căn bệnh của xã hội hiện đại, thường đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa.

Ăn nhanh, ăn vội vàng, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân gây bệnh dạ dày. Ngoài ra, việc thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng, ăn uống không đúng giờ, ăn đồ ăn nhanh được chế biến sẵn, sử dụng thuốc kháng sinh cũng là nguyên nhân gây bệnh. Nếu không chữa trị kịp thời dứt điểm, niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương nặng dẫn đến hệ quả tất yếu là bệnh nhân bị viêm loét mạn tính.

Nước cam ép có chứa nhiều axít, có thể gây đau bụng, tiêu chảy ở những người đau dạ dày.

Nguyên tắc dinh dưỡng: Trong dinh dưỡng bình thường thì khối lượng thức ăn, sự nhai nghiền thức ăn thành mảnh nhỏ trước khi nuốt vào dạ dày là rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở ruột non. Muốn tiêu hóa, hấp thu thức ăn có hiệu quả trong bệnh viêm dạ dày cần lưu ý:

Nấu chín, ninh nhừ thức ăn, không nên dùng thực phẩm ăn sống; nhai kỹ, ăn chậm; không ăn quá no một lúc mà nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa), ăn nhiều bữa để thường xuyên có tác dụng trung hòa axít, mỗi bữa nên ăn nhẹ để khỏi gây căng dạ dày vì căng dạ dày dễ kích thích tiết nhiều axít; không ăn quá nhiều canh cùng với bữa cơm. Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.

Những thức ăn nên dùng: Sữa, trứng có tác dụng đệm trung hòa axít trong dạ dày: sữa bò, sữa hộp, bơ, pho mát...; thực phẩm giàu đạm như thịt, cá nạc nên chế biến luộc, hấp, om thì dễ hấp thu; rau củ dùng rau non luộc hoặc nấu dạng súp, các loại rau củ phải ăn chín; thực phẩm ít mùi vị như tinh bột gồm: cơm nát, cơm nếp nát, bánh mỳ, các loại khoai củ, cháo...; dầu ăn cũng có tác dụng làm giảm bài tiết dịch vị nhưng với số lượng ít, vừa phải.