Ươm mầm con chữ vùng cao

(NTO) Ngót nghét chục lần đến thăm những điểm trường vùng cao, bao nhiêu lần đến là bấy nhiêu lần chúng tôi không khỏi xúc động trước tình yêu nghề, sự cống hiến thầm lặng của đội ngũ giáo viên ở đây. Họ đã dành cả tuổi thanh xuân miệt mài bám trường, bám lớp với trăm bề khó khăn, thiếu thốn để từng ngày ươm mầm con chữ cho học trò nơi đây.

Gập ghềnh đường đến trường

Mùa hè tại vùng cao xã Ma Nới (Ninh Sơn) trông thật hiền hoà bởi vắng đi những con nước lớn từ thượng nguồn đổ về như xé toạt mọi thứ trên đường nó đi qua. Không còn nước lũ đồng nghĩa với việc chúng tôi có thể đi từ trung tâm xã đến Trường TH Tà Nôi bằng đường suối thay cho đường rừng vì gần và dễ đi hơn. Trong suốt chặng đường 9 km vừa đi xe, vừa dắt bộ là một trải nghiệm không mấy dễ dàng cho những người như chúng tôi, đặc biệt hơn nữa là phải tự mình vượt qua 5 con suối lớn, trơn trượt làm nhiều lần suýt “vồ ếch”. Một tiếng đồng hồ vượt qua đồi núi quanh co, khúc khuỷu khiến cả xe và người rệu rã, cũng là lúc Trường TH Tà Nôi xuất hiện. Trường nằm tựa mình bên cánh rừng Pha Roá xanh tươi pha lẫn cùng ánh nắng chiều vàng óng ả làm cảnh sắc nơi đây đẹp lung linh như bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Đón chúng tôi, thầy giáo Thuận Xuân Nhất, Hiệu trưởng nhà trường nói: Rất may, hôm nay trời nắng, nên đường đi đỡ vất vả! Chứ vào mùa mưa, thì chỉ còn cách gửi nhờ xe ở trung tâm xã rồi lội bộ, băng rừng đến trường thôi. Lời thầy giáo khiến chúng tôi hết sức cảm phục trước tình yêu nghề mà thầy, cô dành cho học trò vùng sâu, vùng xa. Bởi chỉ có tình yêu nghề mới giúp các thầy cô giáo có sự can trường vượt qua bao gian khó về vật chất, điều kiện đi lại và cả thiếu thốn đời sống tinh thần để bám trụ nơi đây…

Đội ngũ giáo viên trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học.

Được biết, nhà trường có 12 cán bộ, giáo viên thì đã có 11 người ở miền xuôi. Vì đường núi quanh co, khúc khuỷu nên hầu hết các thầy cô giáo ở lại trường, chỉ đến khi cuối tuần “mưa thuận gió hoà” thì mới về thăm gia đình. Cô giáo Lê Thị Thảo Nhi chia sẻ: Dù chỉ mới nhận công tác gần 3 năm, nhưng tôi không nhớ nổi đã tự mình vượt qua bao nhiêu cung đường đèo dốc, đối mặt với bao lần nguy hiểm để đến với trường và học trò, tôi chỉ biết đây chính là cơ hội để bản thân rèn luyện được ý chí và tinh thần “thép”. Qua câu nói của cô giáo Nhi, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy, đáng quý ở hầu hết những thầy, cô vùng cao là sự lạc quan, luôn thấy niềm vui kể cả khi gian nan nhất.

Nỗ lực vì học sinh thân yêu

Rời Tà Nôi, chúng tôi tiếp tục chặng hành trình trên Tỉnh lộ 707 để đến với Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Đinh Bộ Lĩnh, xã Phước Bình (Bác Ái). Trong chuyến đi này, các thầy cô giáo mời tôi ở lại 1 ngày để hiểu rõ hơn về sự nghiêp giáo dục ở vùng cao Bác Ái. Trời chạng vạng tối, những tưởng là thời gian các thầy, các cô giáo nghỉ ngơi sau một ngày lao động miệt mài, tuy nhiên công việc vẫn chưa kết thúc ở đó. Thầy giáo Nguyễn Minh Hoài, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường có 285 học sinh, trong đó có 97% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Mùa này đang vào vụ tỉa bắp, gieo đậu nên học sinh vắng nhiều, đã có 5 em lên rẫy phụ giúp cha mẹ mà nghỉ học, vì vậy 15 thầy cô giáo đang chia nhau thành từng nhóm nhỏ đến từng thôn, xóm vận động từng em đến trường. Hôm đó, tôi được thầy hiệu trưởng sắp xếp đi cùng với 3 thầy, cô giáo đến nhà em Pur Pur Nghiêng, lớp 8B, thôn Bậc Rây 1. Gặp chúng tôi cha mẹ và Nghiêng khá e dè nên hầu như thầy, cô chính là người bắt chuyện. Được gần 30 phút trao đổi thì cha mẹ Nghiêng mới mở lòng rằng muốn cho Nghiêng ở nhà phụ giúp công việc đồng áng. Tuy nhiên bằng sự chân thành, giải thích cặn kẽ, cũng đến lúc chúng tôi có cái gật đầu của cha mẹ để Nghiêng đi học trở lại. Trên đường trở về trường, chúng tôi phần nào thở phào nhẹ nhõm vì công sức bỏ ra đã không bị lãng phí. Trở về trường đúng 20 giờ, bữa cơm tối đạm bạc, được các thầy cô giáo tranh thủ ăn vội vàng để trở về bên những trang giáo án, bài giảng đang soạn dở dang.

 

Đội ngũ giáo viên Trường TH Tà Nôi luôn tâm huyết với nghề.

Là địa bàn rộng, nhiều khu vực bị cách trở bởi sông, suối nên gần một nửa học sinh nhà trường ở lại trong tuần, vì vậy ngôi trường đã trở thành mái nhà chung cho các em học sinh xa nhà sinh hoạt và học tập. Tại đây, thầy, cô có điều kiện chăm lo cho các em như người cha, người mẹ thứ hai. Hiện nay, nhà trường có khu bán trú gồm 12 phòng và một nhà ăn tập thể được xây dựng kiên cố. Để chăm lo cho các em, nhà trường phân công giáo viên luân phiên chăm sóc trong ngày cũng như bố trí người nấu ăn. Cô giáo Mai Thảo Nguyệt cho biết: Các thầy, cô giáo đều yêu quý học trò như con. Hằng ngày dạy dỗ các em từ cách chăm sóc bản thân đến chấp hành giờ giấc học tập. Mỗi tối, chúng tôi lại thay phiên phụ đạo các em ôn tập bài cũ, làm bài tập mới. Nên phần lớn các em ở lại trường đều rất ngoan, kết quả học tập tốt hơn hẳn.

Đúng 7 giờ, khi mà tất cả học sinh đã vào lớp, chúng tôi nghe tin Nghiêng đã trở lại với trường học và các bạn bè đồng trang lứa. Đây có lẽ là điều tốt lành nhất trong ngày mà chúng tôi đã nhận được trước khi tạm biệt các thầy, cô giáo nhà trường. Trên cung đường trở về phố thị, chúng tôi thầm biết ơn những cống hiến thầm lặng của đội ngũ giáo viên vùng cao đã dành tất cả vì học sinh thân yêu.