“Nỗi lo” được mùa mía

Năm nay, nông dân trong tỉnh được mùa mía. Đến thời điểm này cây mía cũng đang “chín” đại trà, vì vậy mặc dù Công ty CP Mía đường Phan Rang đã chạy hết công suất nhưng vẫn không mua kịp mía cho người trồng. Trông đợi được mua mía sớm để tránh cháy vào mùa khô và giảm chữ đường vẫn đang là tâm lý chung của nông dân trồng mía ở các địa phương trong tỉnh.

Nông dân... ngồi trên đống lửa

Nhiều ngày qua tại Trạm nguyên liệu mía đường Ninh Sơn, luôn có rất đông người dân ngồi chờ để xin được giải quyết việc thu mua mía. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đa số bà con đều có hợp đồng với Công ty CP Mía đường Phan Rang để bao tiêu sản phẩm, nhưng đến nay đã trễ hạn so với hợp đồng mà mía vẫn chưa được chặt nên rất lo lắng. Anh Trần Văn Thịnh, thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn hợp đồng với Công ty trồng 3,5 ha mía. Theo hợp đồng thì chậm nhất đến ngày 18-2, Công ty sẽ tiến hành thu mua nhưng đến nay gia đình vẫn chưa xin được lệnh chặt. Chỉ ra rẫy mía nhà mình, anh Thịnh bức xúc: “Mía nhà tôi đã khô héo cả tháng nay, cây mía chỉ cần đụng vào đã gãy, nhưng vẫn chưa có lệnh thu mua từ nhà máy. Tôi đã xin lệnh chặt cả mấy tuần nay nhưng chưa được, nếu để lâu thì mía sẽ mất năng suất, giảm chữ đường”.

Anh Thịnh bên 3,5ha mía đang chờ thu hoạch.

Không chỉ riêng anh Thịnh, mà các cánh đồng còn có hàng trăm ha mía của nông dân cũng nằm trong tình trạng này. Có không ít hộ đã chặt mía cả tuần nhưng vẫn chưa được chuyển đi.

Anh Trần Văn Tùng, thôn Triệu Phong 2, với 3 ha mía đang tiến hành chặt, nhưng gần 10 ngày rồi vẫn chưa được Công ty thu mua. Trong hợp đồng ghi rõ là từ ngày 23-2 đến ngày 3-3 sẽ tiến hành thu mía của nhà anh là 50 tấn, nhưng tới giờ này công ty chỉ mới thu mua được gần 10 tấn! Anh Tùng cho biết: “Mía nhà tôi chặt ra khô héo hết rồi. Trong khi các mầm mía gốc của vụ sau đã lên xanh hết, sau này khi làm vụ mới buộc tôi phải đốt bỏ hết các gốc mầm này rất uổng”.

Trên địa bàn xã Quảng Sơn vụ mía năm nay có 1.400 ha với tổng sản lượng dự kiến là 84.000 tấn. Tính đến hết tháng 2, Công ty mới thu mua được 39.000 tấn và Công ty Đường Cam Ranh mới thu mua được 7.000 tấn, tương đương 54% sản lượng mía toàn xã. Trong đó, hợp đồng chặt trong tháng 2 của Công ty CP Mía đường Phan Rang còn chưa giải quyết cho bà con là 20.000 tấn.

Áp lực nâng công suất

Theo lãnh đạo Công ty CP Mía đường Phan Rang thì nguyên nhân thu mua mía cho người dân không đúng kế hoạch là do năm nay năng suất, sản lượng mía đạt cao; mặt khác, lượng nguyên liệu dồn vào thời điểm này quá nhiều, nhà máy đã chạy hết công suất nhưng vẫn không “tiêu thụ” hết lượng mía trong dân.

Ông Văn Hữu Thuận, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty cho biết: “Năm nay năng suất mía tăng cao từ 30% đến 40% do đó khi thu mua hết của hộ này thì bị chậm dây chuyền đến hộ khác. Hơn nữa, do ảnh hưởng lũ lụt đầu tháng 11-2010, nên hầu hết các diện tích xuống giống tập trung, giờ lại thu đại trà nên không thu xuể. Trong khi đó cây mía nhanh khô và hiện có giá cao 1.100 ngàn đồng/tấn nên bà con muốn bán sớm. Đến nay, Công ty đã thu mua được trên 54% sản lượng mía trong toàn tỉnh”.

Trong thời gian tới để giải quyết lượng nguyên liệu tồn đọng này, nhà máy đang đẩy nhanh việc lắp đặt, thay thế công nghệ lò để tăng công suất từ 750 tấn/ngày hiện nay lên 1.050 tấn/ngày. Qua quá trình vận hành ban đầu nhà máy đã đạt được công suất 950 tấn/ngày. Khi hệ thống máy ổn định sẽ đạt đến mức tối đa như thông số kỹ thuật cho phép. Như vậy trong thời gian tới lượng mía tồn trong dân sẽ sớm được giải quyết.

Trước tình hình trên, về phía chính quyền địa phương cũng như người dân cần chia sẻ những khó khăn hiện nay của công ty; mặt khác, Công ty cũng cần có thông tin kịp thời, có hình thức giải thích để người dân hiểu. Những diện tích chủ động nước, Công ty sẽ hỗ trợ kinh phí và vận động người dân cho nước vào duy trì cho mía không bị khô. Những trường hợp bị giảm chữ đường Công ty đã có bảo hiểm nên nông dân yên tâm.