Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong trận tiến công tuyến phòng thủ - tấm “lá chắn thép” Phan Rang tháng 4 năm 1975

Sau đòn “điểm huyệt” mở đầu bất ngờ bằng cuộc tiến công chiến lược ở Tây Nguyên, “đánh bồi, đánh nhồi” ở Trị- Thiên - Huế - Đà Nẵng - Nam Ngãi vào mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, hai trong bốn quân khu của chính quyền Sài Gòn đã bị xóa sổ, 35% quân số đã tan rã; 40% binh khí kỹ thuật hiện đại và cơ sở vật chất, hậu cần của địch đã bị phá hủy và bị ta tịch thu; ba phần tư lãnh thổ và gần nửa dân số miền Nam đã được giải phóng; tinh thần của binh sỹ quân đội Sài Gòn đã hoàn toàn hoảng loạn, mất ý chí chiến đấu. Cục diện so sánh thế và lực một cách áp đảo ở phạm vi chiến lược trên chiến trường hoàn toàn thuộc về ta.

Mit-tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc khánh 2-9 và chào mừng năm đầu tiên giải phóng
Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975). Ảnh tư liệu

Ngày 1-4-1975, tại Đà Nẵng vừa giải phóng, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh: Chuẩn bị cho Sư đoàn 325; Lữ đoàn xe tăng 203 và một trung đoàn pháo phòng không sẵn sàng cơ động tăng cường cho Quân đoàn 1 làm nhiệm vụ tác chiến, quân đoàn ở lại Đà Nẵng làm dự bị cho Bộ. Tuy nhiên, trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 được Quân ủy Trung ương chấp thuận tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng miền Nam. Ngày 04 tháng 4, Bộ Tổng tư lệnh đã đồng ý thay đổi nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 và tăng cường cho quân đoàn Sư đoàn 571 vận tải ô tô để thực hiện nhiệm vụ: Tổ chức tiến công thần tốc đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, giải phóng các tỉnh dọc duyên hải Nam Trung Bộ, mở thông đường vào Nam Bộ.

Quân đoàn tổ chức các lực lượng thuộc quyền thành 4 khối hành quân, khối thứ 5 là Sư đoàn bộ binh 3 Quân khu 5 đang đứng chân trên trục Đường 19, Qui Nhơn (Bình Định), sẽ được sáp nhập vào đội hình của quân đoàn ở khu vực Cam Ranh - Phan Rang. 9 giờ ngày 7-4-1975, khối đi đầu đã được lệnh xuất phát do Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325 chỉ huy, lực lượng gồm: Sư đoàn 325 bộ binh, Trung đoàn 284 cao xạ, Tiểu đoàn 4 xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh. Ngày 10-4-1975, bộ phận đi đầu của Sư đoàn 325 đã tập kết ở bắc Cam Ranh.

Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não Ngụy quyền
Ninh Thuận lúc 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975. Ảnh tư liệu

Với tốc độ tiến công trong hành tiến của “Cánh quân Duyên hải” đang ào ạt thần tốc, tiến công địch trong hành tiến, đánh tan lực lượng địch chống cự, cản trở trên các địa bàn, mở thông đường cơ động tiến về hướng Sài Gòn. Để chặn thế tiến công của các binh đoàn chủ lực quân giải phóng, hy vọng đảo ngược tình thế, tướng Uây Oen - Tham mưu trưởng lục quân Mỹ trực tiếp đốc thúc, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã vội vã dựng lên ở Phan Rang một “lá chắn thép” với mục đích: Chặn đứng “Cánh quân Duyên hải” nằm trong một “giải pháp phòng thủ mới”, đó là: “Tuyến phòng thủ Sài Gòn sẽ neo ở thị xã Phan Rang, lấy Xuân Lộc làm cụm phòng thủ chính và Tây Ninh là rìa phía Tây”(1). Tướng Đồng Văn Khuyên phổ biến cho thuộc hạ ở hội nghị Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn: “Theo lệnh ông Thiệu, bằng bất cứ giá nào cũng phải cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng ra đánh xả láng ở đó”(2). Đứng trước nguy cơ “vỡ bờ”, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tướng Cao Văn Viên đều tung hô theo Uây-Oen “quyết tâm giữ phần đất còn lại, cố tủ từ Phan Rang trở vào”.

Xe tăng quân giải phóng truy kích quân địch tại cửa ngõ vào Thành Sơn. Ảnh: Tư liệu

Như vậy, Phan Rang trở thành tuyến phòng thủ từ xa che đỡ cho Sài Gòn và các vùng đất còn lại trở thành một vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng bất đắc dĩ đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn. Theo tính toán sai của Mỹ và đội ngũ tướng tá quân đội Sài Gòn sau khi giải phóng các tỉnh miền Trung và vùng Duyên hải, ta sẽ phải mất nhiều lực lượng để giữ những vùng vừa giải phóng, lực lượng tăng cường cho Nam Bộ áp sát Quân khu 3 và vùng phụ cận Sài Gòn cũng không thể quá một quân đoàn và hành quân nhanh nhất cũng phải hai tháng. Đồng thời, tổ chức ngăn chặn được các quân đoàn của ta trên các hướng chiến trường đến mùa mưa, thì chúng có thể tổ chức phản công giành lại những vùng đã mất và lật lại thế chiến lược. Thực tế đã chứng minh rằng: Đây là một dự báo chiến lược không tưởng, được nhận định, đánh giá sai lầm “chồng lên” sai lầm của địch. Bởi lẽ, chúng không nhìn thấy, không đánh giá được khả năng sức mạnh và tốc độ tiến công của Quân giải phóng sau đòn “điểm huyệt” mở đầu ở Tây Nguyên và đòn “đánh bồi” ở Trị- Thiên, Huế và Đà Nẵng, chỉ diễn ra trong thời gian chưa tròn 30 ngày.

Với tư duy của kẻ đang “be bờ” một cách “chắp vá” sau thế chiến lược đã và đang tan vỡ, ngày 2-4-1975, chính quyền Sài Gòn quyết định sáp nhập vùng đất còn lại của Quân khu 2 vào Quân khu 3; đồng thời lập Bộ tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 3 tại sân bay Thành Sơn, bắc thị xã Phan Rang 10km, do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy. Chúng khẩn trương tập hợp lực lượng gồm: Sư đoàn 6 không quân; Lữ đoàn 2 dù; Sư đoàn 2 bộ binh; Liên đoàn 31 biệt động quân và tiểu khu Ninh Thuận hình thành nên thế trận phòng thủ Sài Gòn từ xa. Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 đã điều các tiểu đoàn bộ binh, biệt động quân và các đơn vị bảo an của Tiểu khu Ninh Thuận ra chiếm giữ các địa bàn theo trục Quốc lộ 1 ở Du Long, Suối Đá, Bà Râu, Hội Diên, Cà Đú, Đài Sơn, ngã ba Quốc lộ 1 với Đường 11… Lữ đoàn 2 dù đứng chân tại sân bay Thành Sơn làm lực lượng dự bị. Tổng cộng hơn mười nghìn quân được tổ chức phòng ngự vội vã trên tuyến phòng thủ Phan Rang, được hỏa lực của không quân, pháo hạm “ưu tiên yểm trợ tối đa” để “tử thủ”. Phan Rang là một thung lũng rộng, xung quanh thị xã Phan Rang - Bửu Sơn (Tháp Chàm) - sân bay Thành Sơn có rất nhiều các điểm cao khống chế, các lực lượng của ta từ Bắc tiến vào, chỉ có thể triển khai tiến công theo hướng trục Quốc lộ 1.

Được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đặc biệt là nhân dân các địa phương đã huy động nhiều xe ô tô để chuyển quân, từ ngày 8 đến ngày 11-4-1975, toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 3 bộ binh đã tập kết ở bắc Phan Rang. Tư lệnh Cánh quân Duyên hải, đồng chí Lê Trọng Tấn đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 3 gấp rút hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, sẵn sang cho tiến công đập tan tấm “lá chắn thép” Phan Rang, mở cửa cho Cánh quân Duyên hải tiến về Sài Gòn.

Căn cứ vào nhiệm vụ tác chiến được giao, địa hình và sự bố trí lực lượng phòng thủ của địch, Sư đoàn trưởng và Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn bộ binh 3 đã hạ quyết tâm:

- Lấy trục Quốc lộ 1 làm hướng tiến công chủ yếu, phát triển qua quận lỵ Du Long vào thị xã Phan Rang. Tiến công theo Đường số 11 từ phía tây đánh chiếm sân bay Thành Sơn là hướng phối hợp quan trọng.

- Sử dụng lực lượng của Trung đoàn 2 bộ binh đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu theo trục Quốc lộ 1, có nhiệm vụ tiêu diệt quân địch, phá vỡ cụm phòng thủ của địch ở Du Long, mở đường phát triển đánh chiếm thị xã Phan Rang; Trung đoàn bộ binh 25 đảm nhiệm tiến công trên hướng phối hợp quan trọng theo trục Đường 11, có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Thành Sơn; Trung đoàn bộ binh 141 đảm nhiệm hướng vu hồi, có nhiệm vụ vây cắt địch ở hướng Đông Nam, chặn đường rút chạy của địch ra hướng biển ở khu vực Điểm cao 356, cảng Ninh Chữ; Trung đoàn bộ binh 12 làm lực lượng dự bị; Trung đoàn pháo binh tổ chức cho hai khẩu pháo nòng dài 85ly và 1 đại đội pháo cao xạ 37, bắn phá, khống chế sân bay Thành Sơn, cắt đứt đường không của địch. Lực lượng pháo binh còn lại tổ chức thành các trận địa ở tây bắc Du Long chi viện cho cả hai hướng.

5 giờ 30 phút ngày 14-4, sau khi pháo bắn chuẩn bị, trên các hướng, các lực lượng đã dũng mãnh tiến công liên tục, đánh chiếm được quân lỵ Du Long, Điểm cao 105, Bà Râu, Điểm cao 300, Suối Vang, Suối Đá, các mục tiêu ở ngoại vi sân bay Thành Sơn. Ngày 15-4, đánh chiếm thêm vị trí Kiền Kiền, Ba Tháp trên hướng chủ yếu và vẫn trụ giữ được những vị trí đã chiếm ở xung quanh sân bay nhưng hai mục tiêu chủ yếu là thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn vẫn chưa đánh chiếm được. Trong khi “quả đấm thép - 325” của Quân đoàn 2 thuộc “Cánh quân Duyên hải”, đang đứng chân ở bắc Cam Ranh cán bộ, chiến sĩ đang nóng lòng xung trận.

Trước nguy cơ tuyến “phòng thủ từ xa” đang bị uy hiếp và có nguy cơ tan vỡ, trưa ngày 15-4, Phó Thủ tướng Trần Văn Đôn kiêm Tổng trưởng quốc phòng và tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3 quân lực Việt Nam cộng hòa đã vội vã đáp máy bay xuống sân bay Thành Sơn, lên “giây cót” cho đám tàn binh của tướng Nghi trên phòng tuyến Phan Rang. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã họp bàn và ra lệnh: ít ra cũng phải một tuần nữa, “đối phương” mới có thể cơ động được lực lượng để tổ chức đánh Phan Rang. Vì vậy, tiếp tục sử dụng không quân đánh phá các cầu cống trên Quốc lộ 1, tăng cường công sự, hỏa lực, cải thiện thế phòng ngự, tập trung lực lượng, chuẩn bị phản công lớn vào ngày 16-4.

Tuy nhiên, khi lực lượng địch ở phòng tuyến Phan Rang chưa kịp thực thi mệnh lệnh của tướng Nghi thì cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn bộ binh 325 đã được lệnh xung trận, tiến công phủ đầu ngay từ lúc 5 giờ ngày 16-4. Các lực lượng đã đồng loạt tiến công, thọc sâu trên các hướng bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, bỏ qua sự kháng cự của các chốt phòng ngự nhỏ vòng ngoài, trên đường thọc sâu. 7 giờ sáng, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101 đã hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Rang, cảng Tân Thành, Ninh Chữ, Phan Rang, quận lỵ Phú Quý, làm cho bộ phận quân phòng thủ còn lại choáng váng, nhanh chóng tan vỡ.

Trên hướng bắc sân bay Thành Sơn các chiến sỹ của Trung đoàn 25 và Sư đoàn 3 đã phá tung 11 lớp rào kẽm gai, đánh tràn vào sân bay. 9 giờ 30 phút ngày 16-4, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 101 và Trung đoàn 25, Sư đoàn 3 đã gặp nhau ở đài chỉ huy sân bay. Ta hoàn toàn làm chủ sân bay, thu 40 máy bay còn nguyên vẹn. Tối 16-4, toàn bộ Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3, Bộ tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Bộ tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt và tan rã; Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 và chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân bị bắt làm tù binh. Đây là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự quyết đoán của người chỉ huy, lòng quả cảm của bộ đội, bằng một hình thức đột phá mới của sức mạnh binh chủng hợp thành.

Trận đánh là thế, nghiên cứu lại lịch sử, bàn rõ thêm về diễn biến trận đánh, chúng ta rút ra điều gì cho hậu thế đang là câu hỏi thuộc về thế hệ chúng ta hôm nay. Đã có nhiều thể loại sách mô tả, nghiên cứu về trận đánh phá tan tấm “lá chắn thép” Phan Rang, tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề chúng ta chưa khám phá hết. Trong phạm vi một bài viết của Hội thảo, xin được khái quát mấy vấn đề về nghệ thuật sử dụng lực lượng trong trận tiến công tuyến phòng thủ - tấm “lá chắn thép” Phan Rang - Cụm phòng thủ tiền tiêu của tuyến phòng thủ từ xa của địch bảo vệ Sài Gòn từ ngày 14 đến 16-4-1975:

Thứ nhất, sử dụng lực lượng bí mật, bất ngờ, trúng, đúng thời cơ

Sau hai ngày Sư đoàn bộ binh 3 thực hành tiến công liên tục trên hai hướng, bằng nhiều mũi đột phá rất táo bạo, quyết liệt, nhưng cũng chỉ đánh chiếm được những mục tiêu ngoại vi của thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn. Do hướng tiến công của ta từ ngoài vào thực hành cách đột phá “cuốn chiếu” nên không tạo bất ngờ cho địch. Trong khi đó các cầu cống trên Quốc lộ 1, trục tiến công chính của ta đã bị địch đánh phá, công sự, hỏa lực, thế phòng ngự đã được cải thiện và chúng đang tập trung lực lượng, chuẩn bị phản công lớn.

Tư duy về sử dụng lực lượng của cấp chiến lược (Bộ tư lệnh “Cánh quân Duyên hải”) với cấp chiến dịch (Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2) và cấp chiến thuật (cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bộ binh 325) đã gặp nhau ở một thời điểm có lợi nhất. Đó là sử dụng ngay Sư đoàn bộ binh 325 vào tiến công đúng thời cơ. Khi các lực lượng của Sư đoàn nhận nhiệm vụ vào tác chiến với khí thế và quyết tâm rất cao. Vì vậy, mọi hoạt động chuẩn bị cho một trận đánh đã diễn ra rất thần tốc, bí mật, trực tiếp tạo ra bất ngờ cho đối phương, mặc dù mục đích của địch là “tử thủ”, của ta là “phá tử thủ” không còn yếu tố bất ngờ. Sau 1 ngày Sư đoàn bộ binh 325 vào tác chiến, không những ta đã làm thay đổi cục diện chiến trường, kết thúc thắng lợi trận đánh một cách giòn giã, mà còn mang lại hiệu quả rất to lớn về thế và lực mới. Điều này đã phản ánh những tư duy hội tụ những vấn đề về nghệ thuật sử dụng lực lượng trúng, đúng thời cơ quyết định của các cấp trong một tình huống cụ thể.

Thứ hai, đánh giá đúng tình hình, sử dụng lực lượng quyết đoán, vận dụng cách đánh rất sáng tạo

Qua hai ngày đầu tác chiến (14-15 tháng 4), tốc độ tiến công trên các hướng trung bình khoảng 10km. Theo tính toán, với tốc độ tiến công này, khi càng tiến sát mục tiêu chủ yếu, do mức độ, tính chất vững chắc trong hệ thống “lá chắn thép” của địch càng cao, thì thời gian tiến công đánh chiếm Phan Rang - Bửu Sơn (Tháp Chàm) - sân bay Thành Sơn sẽ kéo dài thêm từ 5 đến 7 ngày. Bởi, khi mất Ninh Thuận, quân địch có thể lùi về Bình Thuận và tăng cường cho Bình Thuận lập “lá chắn” mới. Đây là điều bất lợi cho “Cánh quân Duyên hải”, trái với mục đích, phương châm, tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo” của chiến lược, mất thời cơ chiến lược có lợi nhất khi nó đang hoàn toàn nằm trong tay quân và dân ta.

Được sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh “Cánh quân Duyên hải”, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ đạo Sư đoàn 325: sử dụng Trung đoàn bộ binh 101, được phối thuộc Tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn xe tăng 203 và một số khẩu đội cao xạ 37 vận dụng cách đánh: tiến công trong hành tiến, bằng phương pháp tổ chức lực lượng xe tăng, bộ binh, pháo binh đi cùng, pháo cao xạ, thực hành thọc sâu theo trục Quốc lộ 1, đánh chiếm thị xã Phan Rang là mục tiêu chủ yếu trước, phát triển xuống phía Nam, chốt chặn đường bộ. Phát huy kết quả thọc sâu, tỏa ra phát triển tiến công đánh chiếm cảng Tân Thành, Ninh Chữ chặn đường rút chạy của địch ra hướng Biển Đông; theo Đường 11 đánh ngược trở lại về phía tây bắc, đánh chiếm quân lỵ Bửu Sơn; kết hợp với lực lượng của Sư đoàn bộ binh 3 và các lực lượng địa phương đánh chiếm sân bay Thành Sơn, cắt đứt đường không, bao vây, gọi hàng, bắt sống, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch đồn trú ở Ninh Thuận, giải phóng địa bàn. Trung đoàn bộ binh 18, Tiểu đoàn xe tăng 5, một số khẩu đội pháo 85mm của Trung đoàn pháo binh 84 và các lực lượng khác làm dự bị, bám sát đội hình thọc sâu của Trung đoàn 101, luôn sẵn sàng xuất kích khi có lệnh.

Một vấn đề đặt ra khi ta lựa chọn cách đánh thọc sâu trong hành tiến bằng sức mạnh của binh chủng hợp thành, được tổ chức đội hình tiến công như “một thê đội”; đội hình các lực lượng bộ binh ngồi trên xe ô tô bánh hơi, đi xen kẽ trong đội hình của xe tăng, thiết giáp, pháo binh, pháo cao xạ, vừa kết hợp đột phá, với thọc sâu xuyên qua trận địa phòng ngự dày đặc, nhiều lớp của “lá chắn thép” Phan Rang, có quá mạo hiểm, liều lĩnh, có hạn chế được thương vong tổn thất và chắc thắng không? Đây là một bài toán người chỉ huy cùng cơ quan tham mưu các cấp đã phân tích, đánh giá về địch, về ta một cách toàn diện, khoa học, tự tin và mang tính phát triển rất chính xác, đó là: Tinh thần của binh lính địch đã sa sút đến bạc nhược; đội hình “be bờ” trong phòng thủ mang tính “chắp vá”, cứng nhắc, không có tính cơ động; hỏa lực không quân ở sân bay Thành Sơn chi viện cho các lực lượng địch đã và đang bị hỏa lực pháo binh của ta ta khống chế. Tinh thần và khí thế tiến công của bộ đội ta đang ở đỉnh cao.

Đánh giá đúng địch, đúng ta, dự kiến sát đúng các phương án tác chiến. Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và rất quyết liệt, chỉ một đêm, các lực lượng tham gia trận đánh đã cơ động vào chiếm lĩnh và hoàn thành xuất sắc công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Vì vậy, ta đã giữ được bí mật, trực tiếp tạo ra sự bất ngờ lớn cho quân địch, lúc 5 giờ 30 lực lượng đi đầu trong đội hình thọc sâu của Trung đoàn 101 đã xông thẳng vào đội hình phòng ngự của quân địch ở Hội Diên, An Xuân, phá vỡ cụm phòng thủ của địch ở ngã ba Cà Đú, tiến về ấp Đài Sơn, phát triển đánh chiếm thị xã Phan Rang.

Thứ ba, sử dụng lực lượng kịp thời, mau lẹ trong quá trình xử lý các tình huống tác chiến

Chỉ chưa đầy 2 giờ, các lực lượng của ta đã làm chủ thị xã Phan Rang - mục tiêu tiến công chủ yếu, lần lượt tiến công cảng Tân Thành, Ninh Chữ, quận lỵ Phú Quí cũng bị các lực lượng thọc sâu đánh chiếm. Trong lúc đó, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi vẫn hy vọng chặn đứng các lực lượng của ta đang tiến vào Phan Rang, để bao vây, cô lập và tiêu diệt bộ phận thọc sâu của ta trong thị xã.

Tình huống trở lên hết sức gay go, quyết liệt, khi hỏa lực pháo binh, pháo phòng không của ta do bố trí quá xa nên vẫn chưa hoàn toàn khống chế được sân bay Thành Sơn, chưa chế áp được các trận địa pháo binh địch ở trong sân bay và khu vực Cà Đú. Chính vì vậy, quân địch đã phát huy được hai loại hỏa lực này, gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng của ta trong tiến công hành tiến, làm chậm hẳn tốc độ tiến công của các lực lượng ta. Tình huống cấp thiết đặt ra là phải đánh chiếm các mục tiêu trong sân bay Thành Sơn, mới bẻ gãy được sự kháng cự cuối cùng của quân địch tại “lá chắn thép” Phan Rang. Quân đoàn đã chỉ thị cho Sư đoàn 325 tổ chức thêm một mũi bộ binh, xe tăng, từ thị xã Phan Rang tiến công đánh chiếm sân bay Thành Sơn. Đây là tình huống không hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch. Bởi vì theo kế hoạch tác chiến, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 có nhiệm vụ tiến công Bửu Sơn phối hợp với Sư đoàn bộ binh 3 đánh chiếm sân bay, tức là nhiệm vụ phối hợp trên hướng phối hợp của Sư đoàn 325 đã trở thành thành nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách của sư đoàn.

Nhiệm vụ tác chiến mới đã được cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101 nhanh chóng triển khai với tinh thần thần tốc, táo bạo nhất. Sau 2 giờ tiến công dũng mãnh, đến 9 giờ 30 phút Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 101 đã đánh chiếm ngã ba Quốc lộ 1 với Đường 11, Bửu Sơn, phát triển cùng Trung đoàn 25, Sư đoàn 3 đánh chiếm sân bay Thành Sơn. Mục tiêu cuối cùng của tuyến phòng thủ “lá chắn thép” Phan Rang đã bị tiêu diệt, về cơ bản trận tiến công trong hành tiến, vừa đột phá kết hợp với thọc sâu, bằng sức mạnh của binh chủng hợp thành kết thúc thắng lợi.

Thứ tư, tổ chức lực lượng dự bị các cấp mạnh, sử dụng đúng thời cơ và táo bạo

Khi Sư đoàn bộ binh 3 thực hành tiến công trong hành tiến, đánh chiếm các điểm chốt phòng ngự vòng ngoài thị xã Phan Rang trên trục Quốc lộ 1 và xung quanh sân bay Thành Sơn đã tổ chức Trung đoàn bộ binh 12 làm lực lượng dự bị. Ở phạm vi chiến lược của Cánh quân Duyên hải đã có Sư đoàn bộ binh 325 đang đứng chân ở Cam Ranh là dự bị đang sẵn sàng xung trận.

Ngày 16 tháng 4, Sư đoàn 325 vào thực hành tác chiến cùng đội hình Sư đoàn bộ binh 3; ở phạm vi chiến lược của Cánh quân Duyên hải đã có Sư đoàn 304 đang đứng chân ở Nha Trang; cấp chiến dịch đã tổ chức Trung đoàn bộ binh 18, Tiểu đoàn xe tăng 5 làm dự bị; cấp chiến thuật khi tổ chức đội hình tiến công hành tiến bằng lực lượng thọc sâu mạnh, Trung đoàn 101 đã tổ chức 2 tiểu đoàn hợp thành ngay trong đội hình hành quân, sẵn sàng phát triển theo hướng thọc sâu và tiến công theo 2 bên sườn phải, sườn trái của Tiểu đoàn 1 và đã xử lý tình huống đánh chiếm Bửu Sơn, sân bay Thành Sơn rất kịp thời.

Quá trình diễn ra trận đánh đập tan tấm “lá chắn thép” Phan Rang trong một thời gian ngắn là do các cấp đều tổ chức lực lượng dự bị binh chủng hợp thành mạnh, sử dụng đúng thời cơ và thời điểm quyết định. Khi tổ chức thọc sâu trong tiến công hành tiến, một phương pháp tác chiến không mới về lý luận nhưng rất mới về thực tiễn trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cách thức, phương pháp tổ chức sử dụng lực lượng dự bị các cấp mạnh đã trở thành một trong những yêu cầu rất cao, có tính nguyên tắc thuộc phạm vi nghệ thuật quân sự.

Tóm lại, trong tác chiến nói chung, trận đánh cụ thể nói riêng, thắng lợi cuối cùng phụ thuộc vào tương quan thế và lực của 2 bên tham chiến trên địa bàn. Lực lượng là cơ sở vật chất để triển khai thế trận và thực hành tiến công. Thực tiễn tác chiến cho thấy, sau khi đã xác định mục đích nhiệm vụ và ý định tác chiến, việc tổ chức sử dụng lực lượng là nội dung cơ bản nhất, quyết định nhất để thực hiện phương pháp tác chiến, và nó đã trở thành qui luật của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng, đập tan tấm “lá chắn thép” Phan Rang chỉ trong thời gian chưa đầy 3 ngày cũng không nằm ngoài qui luật này.

Những vấn đề nghệ thuật đó, không thể là sự “may rủi”, “lý thuyết”; bởi, ngay từ khi tổ chức đội hình hành quân thần tốc Bộ Tư lệnh quân đoàn đã tổ chức thành các khối binh chủng hợp thành, đủ sức mạnh, có khả năng độc lập “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Khi bước vào tác chiến cũng bằng chính từng khối binh chủng hợp thành đó. Tổ chức sử dụng lực lượng thọc sâu, đột phá trong hành tiến theo kế hoạch và điều chỉnh lực lượng để xử lý các tình huống kịp thời, sáng tạo, đúng thời cơ, hiệu xuất chiến đấu cao cũng bằng chính các khối lực lượng đó. Điều này đã khẳng định trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành của người chỉ huy, cơ quan tham mưu các cấp và trình độ khả năng hiệp đồng tác chiến của bộ đội rất linh hoạt, táo bạo. Các lực lượng tham gia trận đánh đập tan tấm “lá chắn thép” Phan Rang đã thể hiện rõ nét tư tưởng thần tốc, táo bạo, tinh thần chấp hành nhiệm vụ kiên quyết, tích cực, chủ động, sáng tạo, đoàn kết rất cao khi vận dụng một phương pháp tác chiến mới, tiến công trong hành tiến.

Kỷ niệm 40 năm về sự kiện tiến công trong hành tiến, đập tan tấm “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận mở cửa cho Cánh quân Duyên hải tiến về Sài Gòn tháng 4-1975, chúng ta cùng nhìn lại những giá trị lịch sử về sự kiện này, trong đó không thể không khai thác đến vấn đề nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng. Ngày nay, những giá trị đó đã và đang cần phải được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong những điều kiện mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

-------------------------------------------------------

Những năm tháng không thể nào quên

Tỉnh ủy, Ủy ban Quân quản tỉnh ra mắt nhân dân trong lễ mit-tinh
chào mừng quê hương giải phóng (1975).

Đông đảo đồng bào huyện Bác Ái dự lễ mít-tinh trong ngày bầu cử Quốc hội
đầu tiên thống nhất đất nước (ngày 25-4-1976).
 
 
Niềm vui được mùa của bà con nông dân sau ngày giải phóng 16-4.
 
 
Nhân dân tham gia lễ mít-tinh chào mừng năm đầu tiên giải phóng Ninh Thuận. 
 
 
Đông đảo nhân dân tham gia làm thủy lợi trên công trình Sông Lu 2.
 
 
Quang cảnh hoạt động kinh doanh tại chợ Phan Rang sau ngày giải phóng.

--------------------

(*) Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đập tan “lá chắn thép” Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử
(1) Dẫn theo Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), Nxb Quân đội nhân dân, H, 2004, tr. 108
(2) Dẫn theo Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), Nxb Quân đội nhân dân, H, 2004, tr. 108