Kinh nghiệm học và thi

Để giúp cho các em có thêm những kinh nghiệm trong quá trình học tập, ôn thi và dự thi đạt kết quả, chúng tôi xin giới thiệu một số lời khuyên của các thầy, cô giáo và các chuyên gia về giáo dục học trong lĩnh vực này.

• Hãy đọc trước bài sẽ nghe giảng trên lớp: Nhờ đó ta đã biết một số khái niệm, một số định nghĩa, biết được phần nào khó trong bài để tập trung nghe giảng để nắm vững nội dung bài giảng ngay tại lớp.

• Không để “nước đến chân mới nhảy”: Sắp xếp thời gian sớm nhất để học bài đã được nghe giảng. Học càng sớm chừng nào thì ta sẽ tiết kiệm được thời gian và sức lực một cách tương thích. Ví dụ bài giảng vào thứ hai, ta học ngay vào chiều thứ hai thì chỉ cần một giờ là đã nắm vững nội dung; nhưng nếu để đến thứ bảy mới học thì chắc chắn ta phải dùng thời gian không phải là một giờ mà là nhiều giờ hơn để đạt cùng một kết quả như trước. Cứ thử nhẩm tính cách học hợp lý nói trên mỗi bài học ta tiết kiệm được một giờ thì chắc chắn trong một tuần ta tiết kiệm không ít hơn 10 giờ, nhờ đó có được thời gian để nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Rất kỷ luật và kiên trì, các em hãy thực hiện phương pháp này ngay đi, vì kết quả là rất lớn.

• Đọc lại ngay và thực hiện các bài tập đơn giản (sau khi nghe giảng trên lớp) để hiểu bài và ghi nhớ các công thức, tính chất  cần thiết. Không phải chỉ đọc hiểu mà là phải chủ động làm các bài tập áp dụng cho tới khi thuần thục. Lần học thứ hai là làm các bài tập khó hơn, hãy cố gắng suy nghĩ để tìm ra cách giải và chỉ nên đọc các hướng dẫn khi mà đã làm hết cách nhưng không giải được. Lần học thứ ba là để hệ thống lại bài và làm bổ sung các bài tập mà trước đó ta chưa giải được.

• Làm các bài tập mang tính tổng hợp kiến thức của toàn chương (sau khi học xong một chương gồm nhiều bài). Đây là cơ hội tốt để tập luyện giải các bài tập tương tự như các câu hỏi trong đề thi sau này, đồng thời cũng là dịp ta phát hiện những thiếu sót trong kiến thức cùng những sai lầm hay mắc phải...

• Dễ làm trước, khó làm sau: Có thể ta đánh giá một câu hỏi nào đó là dễ và ghi vào giấy thi, nhưng khi làm mới thấy là khó, thì nên dứt khoát chuyển qua câu khác mà ta giải được dễ dàng, sau đó còn thời gian thì quay lại giải tiếp câu khó ấy. Trong khi thi, không nên làm quá vội vã câu dễ (để rồi có sai sót đáng tiếc) và đừng sớm chịu thua câu khó. Hãy tận dụng thời gian thi: dò lại các câu đã làm một cách cẩn thận và tập trung cao độ để tìm ra cách giải các câu khó còn lại.

• Giữ “phong độ” trong những ngày gần thi. Có nhiều thí sinh đã tăng tốc một cách ghê gớm vào những ngày cận thi và dẫn đến tình trạng “bão hòa”, kéo theo sự sút giảm sức khỏe nên hậu quả là thi không đúng khả năng thường có. Cách học hợp lý vào các ngày gần thi là giảm cường độ: chủ yếu là đọc lại, xem lại và hệ thống lại các nội dung đã được học. Cần chú ý vào các sai lầm mà mình hay mắc phải, xem kỹ các công thức mà ta nhớ không chắc chắn, đảm bảo có sức khỏe tốt nhất trước khi dự thi, tập thức dậy sớm vào buổi sáng (tự thức dậy sẽ sảng khoái và có trạng thái tâm lý tốt hơn là bị gọi dậy).

• Đi thi: Cần đi thi đúng giờ, tốt nhất là nên đi sớm hơn một chút so với quy định để phòng hờ bị tắc đường. Khi chờ vào phòng thi không nên đùa giỡn quá mức với bạn bè vì như thế sẽ không có lợi cho việc tập trung cao độ trí lực để làm bài thi. Khi nhận được đề thi cần đọc thật kỹ để phân định đâu là các câu hỏi quen thuộc và dễ thực hiện để ưu tiên giải trước, còn các câu hỏi khó sẽ giải quyết sau. Thứ tự các câu hỏi được giải là theo khả năng giải quyết của thí sinh, không nên bị lệ thuộc vào thứ tự trong đề bài.