Lan tỏa phong trào đọc sách trong trường học

(NTO) Để duy trì, phát triển “văn hóa đọc” cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm triển khai các mô hình đọc sách thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng. Qua đó, giúp học sinh lĩnh hội các giá trị văn hóa xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin, tiếp nhận tri thức, từng bước hình thành nhân cách tốt đẹp cho bản thân.

Mô hình Thư viện xanh được xem là cách làm hay được nhiều trường trên địa bàn tỉnh áp dụng, qua đó “khơi dậy” niềm đam mê đọc sách của học sinh. Nhờ chú trọng thiết kế, vận dụng có hiệu quả mô hình Thư viện xanh nên phong trào đọc sách của học sinh Trường TH Từ Tâm 1, xã Phước Hải (Ninh Phước) có nhiều chuyển biến tích cực. Sau tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy, nô đùa, các em lại tìm cho mình một vị trí thích hợp dưới tán cây xanh, chăm chú vào từng trang sách trên tay. Để tạo thói quen và rèn luyện ý thức tự giác đọc sách cho các em, nhà trường xây dựng thư viện xanh ngoài sân trường vừa đẹp mắt, hấp dẫn vừa tiện dụng với khu nhà vòm có thể treo các tủ sách lưu động với nhiều đầu sách hấp dẫn như sách kể chuyện về Bác Hồ, truyện tranh thiếu nhi, sách kể chuyện về các danh nhân… Nhờ có không gian xanh mát nên đọc sách trở thành hoạt động ngoài trời bổ ích và ý nghĩa sau những giờ học tập căng thẳng trên lớp.

Học sinh Trường TH Thuận Hòa say mê đọc sách.

Khác với những buổi phát thanh măng non như lúc trước, thời gian gần đây, các em học sinh ở Trường TH Thuận Hòa, xã Phước Thuận (Ninh Phước) đã có thêm một hình thức sinh hoạt mới, đó là kể những câu chuyện đọc được từ Tủ sách được đặt ngay trong lớp học của mình. Chương trình kéo dài khoảng 20 phút, diễn ra đều đặn vào ngày thứ Sáu hàng tuần. Ở đó, các em được đóng vai nhân vật trong truyện, được tương tác sôi nổi bằng nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung cốt truyện... Thông qua chương trình giúp giáo viên kiểm tra kiến thức các em, đồng thời là dịp để học sinh tự củng cố lại nội dung các sách, báo mình đọc được trong tuần. Bởi vẫn cuốn sách đó, nội dung đó, nhưng khi được nghe bạn kể, được bàn luận sôi nổi, các em có thể nói lên quan điểm của riêng mình, qua đó hiểu kỹ, nhớ lâu hơn và hứng thú với sách truyện; lâu dần sẽ tạo thói quen đọc sách kỹ lưỡng. Để học sinh được tiếp cận với nhiều loại sách phong phú và đa dạng, nhà trường bố trí các tủ sách riêng ở mỗi lớp. Sau một thời gian đọc, các em học sinh trong lớp tự đổi sách cho nhau và các lớp trong trường đổi tủ sách cho nhau. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường TH Thuận Hòa chia sẻ: Trước đây do nguồn sách tại thư viện còn nghèo nàn, chưa thực sự thu hút sự quan tâm của học sinh. Sau khi bổ sung thêm các đầu sách mới với nhiều thể loại, các em tự giác tìm đến sách để đọc, nhờ vậy, kỹ năng đọc hiểu của các em lớp lớn cũng được nâng lên.

Để phong trào đọc sách ngày càng phát triển, bên cạnh đổi mới hình thức đọc sách, nhà trường cần quan tâm bổ sung, thay mới các đầu sách, truyện hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Để đáp ứng nhu cầu đọc sách, nâng cao kiến thức của học sinh, thời gian qua nhiều nhà hảo tâm tích cực ủng hộ sách cho thư viện các trường trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như nhóm Nhà giáo và những người bạn đã vận động đưa hàng ngàn đầu sách về cho hơn 20 trường trong tỉnh, với kinh phí gần 100 triệu đồng. Cô giáo Bùi Thị Thủy, thành viên nhóm Nhà giáo và những người bạn, cho biết: Không chỉ đi vận động, quyên góp các nhà tài trợ, nhóm còn linh hoạt tổ chức bán hàng online, số tiền bán được nhóm sẽ mua sách tặng học sinh ở các trường còn khó khăn. Vừa qua, nhóm tổ chức bán thành công 2 tấn khoai lang nhật thu về 17 triệu đồng để mua sách, truyện cho học sinh.

Mong rằng, những nỗ lực xây dựng không gian “văn hóa đọc” trong trường học sẽ tạo môi trường lành mạnh giúp học sinh rèn luyện thói quen tiếp xúc hàng ngày với tri thức mới qua những trang sách, từ đó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nên những tính cách tốt đẹp cho học sinh.