Chi bộ thôn An Nhơn Tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(NTO) Chúng tôi đến làng Chăm An Nhơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) vào một ngày đầu tháng 4 khi nơi đây đang chuẩn bị thu hoạch lúa vụ đông-xuân. Là thôn điển hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương, An Nhơn là một trong hai thôn được chọn xây dựng thôn NTM kiểu mẫu của tỉnh. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Chi bộ thôn An Nhơn đang phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

An Nhơn được chia làm 2 khu dân cư là khu chính (tức thôn An Nhơn cũ) và khu giãn dân (vùng Gò Sắn) cách đó 1 km trên đường đi qua Phước Nhơn, còn gọi là xóm An Nhơn mới. Toàn thôn có dân số khoảng 2.145 nhân khẩu (465 hộ), trừ 180 hộ (gần 1.000 khẩu) là tín đồ hồi giáo mới (It-xlam), còn lại người dân đều theo đạo Bà-ni. Đồng chí Tài Dá, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Nhơn phấn khởi cho biết: Chi bộ chúng tôi có 22 đảng viên (ĐV), trong nhiều năm liền luôn đạt trong sạch, vững mạnh, cuối năm vừa qua được chọn làm chi bộ điểm về lãnh đạo người dân trong thôn tích cực tham gia xây dựng NTM. Để quản lý dân cư, An Nhơn chia làm 8 tổ tự quản, bên cạnh Ban Quản lý thôn và Ban công tác Mặt trận, còn có Chi hội Phụ nữ, Chi hội Người cao tuổi, đặc biệt là Tổ hòa giải hoạt động tốt, đóng vai trò giúp người dân trong thôn hoà giải xích mích, mâu thuẫn. Vì vậy trong mối quan hệ giữa 2 tôn giáo Bà-ni và It-xlam, mọi ý kiến bất đồng đã được thỏa thuận êm xuôi, không hề xảy ra tình trạng mất đoàn kết. Bà Nguyễn Thị Lập, một người dân xóm mới An Nhơn chia sẻ: Bà con ở đây luôn sống chan hoà tình làng nghĩa xóm, khắng khít bên nhau.

Nông dân thôn An Nhơn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh.

Với diện tích đất canh tác bao gồm trên 100 ha ruộng lúa 3 vụ, ngoài ra còn có khoảng 400-500 ha đất trồng màu (chủ yếu là bắp, mè, bo-bo, cỏ chăn nuôi và các loại đậu,..), kế sinh nhai chính của người dân An Nhơn là nghề nông. Do có kênh mương dẫn nước chủ động tưới, ruộng lúa ở đây cho năng suất thu hoạch bình quân 7-8 tấn/ha/vụ. Ngoài trồng lúa nước, thế mạnh của An Nhơn là chăn nuôi gia súc có sừng (bò, dê, cừu) theo mô hình trang trại. Để xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, chi bộ thôn hướng người dân An Nhơn vào mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể “chân rết” thôn đã tích cực tuyên truyền vận động người dân tham gia nhiều chương trình, mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hơn 1,2 ha măng tây xanh. Ông Nguyễn Đình Quê, 1 trong 5 nông dân An Nhơn tiên phong chuyển đổi trồng măng tây xanh nói: Tôi trồng 2 sào măng tây xanh từ năm 2017, đã thu hoạch 3 đợt, sau khi trừ chi phí một nửa tôi thu lợi nhuận 25 triệu đồng, bước đầu cho thấy trồng măng tây xanh lãi hơn trồng lúa 3 lần.

Nhờ triệt để cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến thu hoạch, áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập của người dân An Nhơn tăng dần. Tính riêng trong năm 2018, An Nhơn đã tăng hộ khá giàu và giảm từ 12 hộ xuống còn 8 hộ nghèo (giảm 2,28%). Không chỉ đời sống kinh tế được cải thiện, hình ảnh vùng nông thôn An Nhơn cũng đang đổi mới từng ngày. Theo ghi nhận của chúng tôi, An Nhơn hiện có 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, mọi nhà trong thôn đều có điện thắp sáng, gần như nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn và xe máy để đi lại, không ít hộ có 2-3 xe máy trong nhà. Các công trình hạ tầng về y tế, trường học, giao thông đều xây dựng khang trang, riêng đường nội thôn đã có 100% được kiên cố hóa, một số nhánh đường đã có điện thắp sáng ban đêm.

Đáng chú ý là sự gần dân, sát dân của Chi bộ thôn An Nhơn đã tác động người dân tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; đơn cử qua vận động của cấp ủy chi bộ, cô giáo Thành Thị Phương Dung đã nghỉ hưu ở địa phương đầu tư 58 triệu đồng làm cổng văn hóa chính ở đầu thôn. Một cách làm hay khác của Chi bộ thôn An Nhơn là xây dựng quỹ ĐV sinh hoạt nơi cư trú, huy động sự đóng góp của mỗi người trung bình 250 ngàn đồng/năm của 60 ĐV là cán bộ, công chức đương chức thường trú trong thôn. Từ nguồn quỹ này, chi bộ hỗ trợ cho các hoạt động ở địa phương như dịp lễ, tết, phong trào văn nghệ, thể thao, động viên con em lên đường nhập ngũ…

Nhìn chung với kết quả đạt được từ những năm qua, An Nhơn vẫn duy trì đạt 19 tiêu chí, trở thành thôn dẫn đầu trong xã về xây dựng NTM và đã tạo ra nhiều nhân tố quan trọng để bước vào xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Tiếp tục lộ trình theo mục tiêu trên, theo đồng chí Tài Dá, An Nhơn đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; về hạ tầng, hỗ trợ kinh phí để hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, điện thắp sáng.