Ngày thế giới phòng, chống sốt rét (25-4) Hành động để chấm dứt bệnh sốt rét

Việt Nam đã chuyển từ hoạt động phòng chống sang phòng chống và loại trừ sốt rét. Mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ở Việt Nam là đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận với chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và hiệu quả tại các cơ sở y tế; những người có nguy cơ mắc sốt rét được bảo vệ bằng cách phù hợp.

Hành động để chấm dứt bệnh sốt rét

Sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, bệnh do muỗi anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Các triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào loại ký sinh trùng người bệnh nhiễm phải, sức khỏe và tình trạng nhiễm của người bệnh. Bệnh sốt rét khi xuất hiện, nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời trong cộng đồng sẽ gây nên dịch sốt rét.

Trong gần 10 năm qua, các quốc gia, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ đã đầu tư một khoảng kinh phí lớn cho công tác phòng, chống nhằm hướng đến loại trừ sốt rét.

Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét năm 2019 có chủ đề là “End Malaria for Good” - “Chấm dứt bệnh sốt rét”. Đây là sự kiện hàng năm nhằm kêu gọi thế giới nâng cao kiến thức về bệnh sốt rét; tăng cường đầu tư ngân sách cho phòng bệnh và điều trị sốt rét; đồng thời đánh dấu các thành quả đạt được trong cuộc chiến đang chống lại sốt rét. Nhân Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp để phòng chống sốt rét quay trở lại tại các quốc gia đang phải chịu ảnh hưởng bởi sốt rét.

Theo WHO, mỗi năm có khoảng từ 300-500 triệu người trên toàn thế giới bị mắc bệnh sốt rét và có khoảng 1 triệu người tử vong vì sốt rét. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tới 70% số ca sốt rét trên toàn cầu. Cứ mỗi 2 phút lại có một trẻ em tử vong vì căn bệnh này.

Việt Nam tiến tới loại trừ bệnh sốt rét

Viện trưởng Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) PGS, TS Trần Thanh Dương cho biết: Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét ở nước ta đã đạt được các kết quả đáng khích lệ, với tỷ lệ người mắc và chết do sốt rét liên tục giảm hằng năm. Ngoài ra, mỗi năm, hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng, chống như: phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi; hàng chục nghìn người bệnh được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí... Vì vậy, Việt Nam đã không để dịch xảy ra trong nhiều năm qua.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong mười năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong công tác phòng, chống sốt rét như: Số ca sốt rét đã giảm từ hơn 11 nghìn người (năm 2008) xuống còn 4.500 người (năm 2017). Số người chết do sốt rét cũng giảm từ 25 người xuống còn sáu người (giảm 76%), có 40 tỉnh, thành phố không có sốt rét lưu hành. Năm 2016, Việt Nam nằm trong số 44 quốc gia có ít hơn 10 nghìn người bị sốt rét mỗi năm. Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận, từ kiểm soát sang loại trừ sốt rét vào năm 2030.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống bệnh sốt rét ở nước ta còn gặp không ít khó khăn. Đáng lo ngại hiện nay, theo cảnh báo của WHO, ở Việt Nam, sốt rét đang chuyển sang tập trung tại một số vùng rừng núi, nhất là khu vực miền trung, Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, trong 2 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có 120 ca bệnh sốt rét, tăng hơn gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2018.

Tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc Artemisinin và có nguy cơ lan rộng tại cộng đồng đe dọa nỗ lực loại trừ sốt rét của Việt Nam trong những năm qua.

Theo Bộ Y tế, để thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, cần tiếp tục triển khai tích cực những biện pháp truyền thông để các cấp chính quyền, đoàn thể, địa phương và cộng đồng chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét. Các đơn vị y tế cần thường xuyên giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời; quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng người dân di biến động. Thực hiện điều trị người bệnh sốt rét đúng thuốc, đủ liều theo quy định của Bộ Y tế.

Ðối với các địa phương, bộ, ngành cần nỗ lực vận động và chủ động đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét; tiếp tục đề nghị các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam như đã cam kết...

Bộ Y tế khuyến cáo, hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa sốt rét, vì vậy việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Có nhiều phương pháp khác nhau để phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét (như: diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh).

Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, người dân cần mặc quần dài, áo tay dài khi đi làm nương, làm rừng, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, đốt hương muỗi, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng…

Người dân cũng có thể làm cửa lưới, mành rèm chống muỗi ở các cửa sổ để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Điều quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là phải ngủ màn thường xuyên và màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi...

Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét, như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi, hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời...