Lễ Bỏ mả - tín ngưỡng văn hóa tâm linh của đồng bào Raglai Ninh Thuận

Trở lại xã Phước Chiến (Thuận Bắc), những ngày này đồng bào nơi đây đang tích cực chuẩn bị Lễ hội Bỏ mả truyền thống của mình phục vụ cho Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019. Theo nhiều người dân, từ ngày đón nhận Bằng chứng nhận Lễ Bỏ mả của người Raglai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghi lễ này càng được người dân tổ chức chu đáo nhằm giữ gìn nét đặc sắc trong đời sống tâm linh người Raglai.

Ông Chamaléa Huân, thôn Đầu Suối A, xã Phước Chiến, cho biết: Theo quan niệm của người Raglai, lễ Bỏ mả là cuộc chia ly cuối cùng giữa người sống và người chết. Đây là nghi lễ không chỉ để con cháu đền đáp công ơn ông bà, báo hiếu cha mẹ mà còn biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Lễ Bỏ mả tiếng Raglai gọi là “ngap padhi” là một lễ tục đánh dấu kết thúc vòng đời người. Lễ bỏ mả diễn ra trong 3 ngày chính với nhiều nghi thức cúng kính và trình diễn âm nhạc. Ngày đầu tiên, các thầy cúng sẽ trình báo cho linh hồn người chết biết các lễ vật dâng cúng. Sau đó, tiếng Mã la được đánh lên để chúc mừng linh hồn người chết về ở nơi mới. Thầy cúng làm nghi thức ban gạo cho người chết, gia đình và những người đến dự lễ.

Thầy cúng của người Raglai thường mang áo dài, xẻ tà từ eo lưng xuống đến chân, trên đầu có quấn khăn vải màu, tay múa nhẹ nhàng, chậm rãi theo nhịp Mã la hòa quyện với tiếng Hari. Thầy cúng ở chính giữa cầm một cây tre có gắn 1 chiếc nhẫn và sáp ong dùng để chỉ đường, hướng dẫn cho linh hồn người chết nhận lễ vật dâng cúng. Vào buổi sáng sớm khi tiếng gà còn chưa gáy, các thanh niên trong làng khiêng một mô hình nhà ở hình con thuyền ra đặt ở trên mộ của người chết. Các thầy cúng thực hiện nghi thức mời rượu, cúng cơm. Tại ngôi nhà mới, các thầy cúng ban hạt giống cho người chết, có 2 người phụ nữ cầm 2 đầu khăn màu trắng hứng những hạt rơi từ trên trời xuống.  Kết thúc nghi lễ người ta mang các lễ vật như rượu cần, trầu cau, rượu, chuối cúng tại nhà lễ. Sau nghi thức này, gia đình không còn thực hiện bất cứ một lễ tục nào nữa. Thầy cúng thực hiện nghi thức bẻ đôi cây tre và bỏ vào trong giỏ đan bằng tre đựng thức ăn cho người chết. Những thanh niên khoẻ mạnh trong làng khiêng chiếc giỏ thức ăn mang ra để ở nhà mồ, mọi sự liên hệ giữa người chết và người sống chấm dứt.

Đồng chí Đá Mài Bắn, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chiến, cho biết: Lễ Bỏ mả mang tính thiêng liêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Raglai. Họ xem lễ tục như một ngày sum họp cộng cảm để chia tay với một thành viên trong cộng đồng. Đồng thời, cũng là dịp để cho các bạn trẻ vui chơi, làm quen với nhau rồi thành vợ thành chồng tái sinh thêm những thành viên mới. Chúng tôi rất vinh dự tổ chức tái hiện Lễ Bỏ mả trong dịp tỉnh tổ chức Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019. Xem đây là cơ hội để giới thiệu bản sắc văn hóa người Raglai đến với du khách. Trong chương trình Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2019, các nghệ nhân xã Phước Chiến sẽ tái hiện trích đoạn lễ mời rượu sáng trong ngày thứ ba của lễ Bỏ mả. Ngoài nét đặc sắc từ nhạc cụ mã la và các điệu múa truyền thống Raglai, Lễ bỏ mả còn phản ánh nét đặc sắc trong đời sống và sinh hoạt của tộc người Raglai ở Ninh Thuận. Du khách sẽ được tìm hiểu nét văn hóa của người Raglai qua Lễ Bỏ mả với nhiều loại hình nghệ thuật như: Kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, múa, trình diễn...với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”. Việc khai thác và phát huy bản sắc văn tộc người Raglai nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Ngày 30-10-2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXV. Theo đó, trong 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đợt này, Ninh Thuận có 1 Di sản là Lễ Bỏ mả của người Raglai xã Phước Chiến (Thuận Bắc). Ngoài công tác bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm đối với việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị di sản văn hóa, đây còn là lợi thế rất lớn cho ngành du lịch tỉnh nhà khai thác phát triển sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc.