Quy hoạch mở đường phát triển Khu vực ven biển phía Nam tỉnh

Khu vực ven biển phía Nam tỉnh có bờ biển trải dài từ xã An Hải (Ninh Phước) đến xã Cà Ná (Thuận Nam), với nhiều bãi san hô, hệ động, thực vật đa dạng, là tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch.

Tài nguyên biển khá phong phú về các loại hải sản, độ mặn nước biển cao, thuận lợi cho phát triển nghề muối, khai thác và nuôi trồng hải sản. Điều đặc biệt, khu vực này hội tụ nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc như các bãi tắm, cồn cát, sa mạc, núi sát biển. Với đặc điểm khí hậu nắng gió quanh năm, tạo thuận lợi cho phát triển điện gió, điện mặt trời.

Du khách tham quan tuyến đường ven biển Mũi Dinh-Cà Ná. Ảnh: Văn Nỷ

Để phát huy tổng thể các tiềm năng trong khu vực, ngày 31-1-2019, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 40/QĐ-UBND phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển phía Nam tỉnh và đã chọn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) làm Đồ án quy hoạch. Sau hơn 3 tháng thực hiện, đến nay đơn vị tư vấn đã nghiên cứu, cơ bản hoàn thành các nội dung đề ra. Theo ý tưởng đề xuất của đơn vị tư vấn, khu vực trên được quy hoạch thành 3 phân khu phát triển chính. Khu vực phía Nam sông Dinh với tính chất là điểm dân cư, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành vùng cảnh quan thiên nhiên gắn kết với không gian đô thị, sản xuất nông nghiệp kết hợp nhà ở sinh thái, quy mô gần 640 ha, mà điểm nhấn là Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf bố trí ở hạ lưu sông Dinh. Tại xã An Hải và xã Phước Hải, với hiện trạng là sản xuất nông nghiệp gắn với các làng xóm hiện hữu, quy hoạch hướng đến sử dụng không gian sản xuất nông nghiệp như công viên, với tác động ngoại cảnh ít nhất, chi phí thấp nhất, nhưng hiệu quả cao.

Đóng vai trò đòn bẩy thúc đẩy phát triển cho toàn khu vực là Khu đô thị du lịch ven biển, trung tâm ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Giải pháp kiến trúc không gian khu vực này đơn vị tư vấn đưa ra là chú ý đến kết nối chuyển tiếp hài hòa giữa xây mới và hiện trạng, bố cục công trình hạn chế tối thiểu ánh nắng chiếu trực tiếp, kết hợp giữa hướng công trình và các núi, để tạo ra nhịp điệu không gian “đóng mở”. Ý tưởng tổ chức những tuyến phố du lịch dọc theo các trục hướng biển, ven biển, bố trí khoảng lùi không gian tổ chức các hoạt động ngoài trời tăng tính sôi động, sầm uất của đơn vị tư vấn đưa ra đã phác họa đô thị ven biển có đặc thù riêng. Cũng tại khu vực này, sẽ phát triển điện gió, điện mặt trời vừa khai thác tiền năng, lợi thế, vừa tạo được sự khác biệt, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong triển khai các dự án.

Xuyên suốt các khu vực trong Đồ án quy hoạch, đều có đề cập đến lĩnh vực phát triển du lịch; trong đó, đáng kể là Khu vực cát động phía Bắc mũi Dinh và dải đất ven biển phía Nam mũi Dinh, thuộc xã Phước Dinh và Phước Diêm, quy hoạch tập trung khai thác cảnh quan ven biển và cảnh quan núi để phát triển du lịch. Với hiện trạng chủ yếu là đất đồi núi và cồn cát động, thì tổ chức những điểm dịch vụ du lịch, cáp treo, trượt khám phá rất thích hợp.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay: Xác định tầm quan trọng của Đồ án quy hoạch đối với sự phát triển Khu vực ven biển phía Nam tỉnh, Sở đã làm việc nhiều lần với đơn vị tư vấn, cung cấp thông tin, số liệu phục vụ công tác nghiên cứu. Chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị tư vấn đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, khảo sát địa hình cụ thể ở từng khu vực, đưa ra các giải pháp phát triển phù hợp. Về cơ bản, Đồ án quy hoạch đáp ứng được định hướng phát triển của tỉnh là bảo tồn hệ sinh thái khu vực biển, bảo tồn văn hóa truyền thống, thiên nhiên hiện hữu. Phía Nam tỉnh là vùng bán sa mạc đặc trưng, vì vậy đơn vị tư vấn đề xuất phát triển đô thị du lịch ven biển kết hợp với khai thác năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao là có tính khả thi.