Nhiều dự án chậm triển khai do vướng mặt bằng

(NTO) Trong những năm gần đây, cùng với làn sóng đầu tư vào tỉnh ta, nhiều dự án đã được triển khai, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều dự án do khó khăn về giải phóng mặt bằng nên vẫn “dẫm chân tại chỗ” không thể triển khai đúng như tiến độ cam kết ban đầu.

Nhiều dự án vướng mặt bằng

Dự án Trung tâm Đào tạo lái xe Ninh Thuận của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe Ninh Thuận, tại thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ giữa năm 2013, có tổng vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng, quy mô đào tạo 1.400 học viên/năm. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ xây dựng trong 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đưa vào hoạt động trong năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn chưa thể triển khai do mặt bằng được giao không đủ điều kiện để thực hiện dự án. Theo chủ đầu tư dự án này, Trung tâm mới chỉ được giao diện tích 3.027 m2 đất, trong khi đó theo quy định của ngành Giao thông vận tải diện tích tối thiểu để xây dựng Trung tâm đào tạo lái xe xe phải đạt diện tích tối thiểu là 10.000 m2. Vì vậy, nhiều năm nay chủ đầu tư vẫn loay hoay không thể triển khai dự án. Hiện nay, chủ đầu tư vẫn tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh cấp bổ sung và thống nhất phạm vi, diện tích đất nhằm đảm bảo đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án theo cam kết.

Do vướng mặt bằng đất rừng, Dự án hồ Sông Than đang bị chậm tiến độ so với dự kiến.

Một dự án khác cũng đã được UBND tỉnh cấp giấy phép đăng ký đầu tư, nhưng hiện còn vướng về mặt bằng, đó là Dự án Trồng rừng và chăn nuôi tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) của Công ty Cổ phần Quốc Vương với quy mô gần 9,1 ha cùng nhiều hạng mục đầu tư bao gồm: khu vực trồng cỏ, khu chuồng trại chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày và các công trình phụ trợ. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ hoàn thành đi vào hoạt động sau 18 tháng triển khai, nhưng đến nay trải qua hơn 10 năm, dự án vẫn đang ì ạch triển khai trên diện tích khoảng 2 ha. Phần lớn diện tích đất còn lại hơn 7 ha do vướng diện tích đất rừng nên chưa thể thực hiện. Đơn vị đầu tư đã kiến nghị các cấp, ngành xem xét việc chuyển đổi mục đích đất rừng tại khu vực dự án để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhưng chưa có dấu hiệu khả thi.

Từng được kỳ vọng sẽ có nhiều động lực phát triển, bởi tiềm năng về cảnh quan của cung đường ven biển, tuy nhiên hàng loạt dự án đầu tư phát triển du lịch dọc tuyến ven biển từ Bình Tiên-Mỹ Hòa và Mũi Dinh-Cà Ná hiện cũng gặp khó khăn do bị chồng lấn vào quy hoạch đất rừng, trong đó phần lớn diện tích là đất rừng đặc dụng và phòng hộ. Do vậy để có cơ sở triển khai dự án, cần phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua rà soát trên địa bàn tỉnh hiện có 7 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, 3 dự án khác cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư nhưng bị chồng lấn với quy hoạch đất rừng.

Giải bài toán khó

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các dự án có diện tích đất rừng đặc dụng và phòng hộ cần thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và đặc biệt phải theo đúng tinh thần Chỉ thị số 12 CT-TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Ngoài ra, tùy vào diện tích, loại đất mà thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi rừng sang mục đích khác phải tuân thủ theo quy định của luật Lâm nghiệp. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, các sở, ngành liên quan phải phối hợp, rà soát tổng thể các dự án có chồng lấn để thống nhất hướng xử lý.

Trong buổi làm việc với Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các ngành liên quan và thành viên tổ công tác cần tiếp tục phát huy trách nhiệm, thẩm quyền thuộc lĩnh vực được phân công, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc của các dự án trên tinh thần nắm chắc quy hoạch, loại đất, thủ tục chuyển đổi đất và cơ sở pháp lý để thống nhất chủ trương giao đất, chấp thuận đầu tư dự án cho chủ đầu tư, nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương phải xây dựng báo cáo cụ thể, chặt chẽ để kiến nghị xử lý dứt điểm trong năm 2019.