Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu HĐND tỉnh

Tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giám sát, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu HĐND các cấp. Nhận thức rõ điều đó, nhiệm vụ trên đã được Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên thực hiện thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh định kỳ tháng.

Theo đồng chí Vũ Ngọc Đương, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ (2016-2021) đến nay, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã tổ chức 25 cuộc giám sát (5 cuộc giám sát thông qua phiên giải trình của các cơ quan, đơn vị trong phiên họp định kỳ tháng của Thường trực HĐND tỉnh và 16 cuộc khảo sát đối với các kiến nghị bức xúc của cử tri). Qua hoạt động giám sát, khảo sát, đôn đốc, đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri phù hợp quy định của pháp luật. Theo đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc tiếp thu, xem xét, giải quyết, giải trình 926/1.038 ý kiến, kiến nghị của cử tri (đạt 70,8%) được đa số đồng tình. Còn lại kiến nghị của cử tri (29,2%) về đầu tư xây dựng thêm các công trình phúc lợi cho địa phương, thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải cách chế độ công vụ, tăng phụ cấp cho chế độ cơ sở… đã được đại biểu HĐND tỉnh giải trình, báo cáo để cử tri hiểu, chia sẻ: Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư hiện nay, tỉnh chưa thể giải quyết được ngay.

Đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đảm bảo thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật, từng bước được nhân dân và cử tri ghi nhận. Cụ thể tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, thường xuyên vào thứ ba hằng tuần, đại biểu HĐND, công chức Văn phòng tiếp công dân; định kỳ 1 lần/tháng, lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh (Chủ tịch, Phó chủ tịch) và lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách tiếp công dân; các Tổ đại biểu HĐND phối hợp với Thường trực HĐND cấp huyện tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tiếp công dân tại nơi ứng cử. Ngoài ra Văn phòng HĐND tỉnh giúp Thường trực HĐND tổ chức tiếp công dân tại trụ sở Văn phòng HĐND tỉnh khi có công dân đến; trực tiếp tiếp nhận đơn thư, lắng nghe, nắm bắt các kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của công dân.

Nhìn chung, công tác tiếp xúc cử tri và đôn đốc giải quyết kiến nghị cử tri được Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên đổi mới và rà soát tổng hợp, đôn đốc giải quyết, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của Thường trực HĐND tỉnh cũng không ngừng được đổi mới theo phương châm “ Sâu sát, chặt chẽ, khách quan, khoa học và kịp thời”. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh ưu tiên giám sát công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại các sở, ngành, địa phương, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định xã hội, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với tổ chức chính quyền địa phương, với đại biểu HĐND, người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của họ.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, vẫn còn có những mặt hạn chế, đó là công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân hiệu quả chưa cao. Hoạt động tiếp công dân của HĐND tỉnh chủ yếu do Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND là đại biểu chuyên trách quan tâm thực hiện thường xuyên; còn một số đại biểu HĐND không chuyên trách chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình. Cũng qua đó, Thường trực HĐND tỉnh rút ra một số kinh nghiệm là nơi nào cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sâu sát thì ở đó chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Nơi nào khi triển khai nhiệm vụ liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ trực tiếp của người dân (như thu hồi đất đai, triển khai dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…) được quan tâm chỉ đạo sớm, giải quyết thấu tình, đạt lý thì ở đó việc triển khai nhiệm vụ thuận lợi, kịp thời, hiệu quả.

Từ kinh nghiệm rút ra, theo đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, để việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đạt hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, các cấp ủy đảng cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo đối với công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân theo tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 15 - NQ/TU ngày 30-12-2016 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư và giám sát trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chia sẻ kết quả giải quyết để việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư đảm bảo khoa học, đồng bộ, đúng pháp luật.