Ngày Sách Việt Nam 21-4: Chung tay lan tỏa tình yêu dành cho sách

Những năm gần đây, nhiều hoạt động kết nối sách và bạn đọc liên tục được tổ chức trên khắp cả nước với quy mô lớn, chất lượng cao. Đặc biệt Ngày Sách Việt Nam (21-4) hằng năm đã trở thành một hoạt động văn hóa thiết thực của người dân cả nước. Như thường lệ, Ngày Sách năm nay tiếp tục mang sứ mệnh tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời tôn vinh những người sáng tác, xuất bản, lưu giữ xuất bản phẩm...

Thay đổi nhận thức về giá trị của sách

Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc; là dịp khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước đã triển khai sâu rộng phong trào đọc sách trong các tầng lớp nhân dân, hình thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Đọc sách hình thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Ảnh: Văn Nỷ

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 5 năm thực hiện Quyết định 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng về Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của sách và việc đọc sách trong đời sống cộng đồng; đã xuất bản được gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản; mô hình “đường sách”, “phố sách” đã được phát huy hiệu quả. Đáng chú ý, 100% thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc với nhiều hoạt động phong phú nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa tinh thần của sách, thu hút người dân...

Theo nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông ) Chu Văn Hòa: Ngày Sách Việt Nam được triển khai với quy mô ngày càng lớn, nội dung và hình thức các hoạt động ngày càng phong phú. Đặc biệt, một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn lồng ghép việc tổ chức các chương trình hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam với các hoạt động tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển đảo, giáo dục về lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc…

Bên cạnh đó, công tác tổ chức theo từng năm cũng được cải tiến, chú trọng cả về bề rộng lẫn chiều sâu, nội dung và hình thức các hoạt động ngày càng phong phú. Đó là tiền đề quan trọng để các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trong đời sống văn hóa cộng đồng, hướng tới mục tiêu 100% các quận huyện, thị xã có hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam.

Trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam 2019 sẽ có nhiều hoạt động như hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng”; hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam và nhiều chương trình giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà xuất bản, tác giả với độc giả yêu sách. Đồng thời cũng sẽ có các hoạt động tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân gắn bó với hội sách, ngày sách…

Văn hóa đọc có thêm những cơ hội “đâm chồi, bén rễ”

Theo nhận định của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Ngày Sách Việt Nam không đơn thuần là một sự kiện mà đã lan tỏa thành nhiều mô hình khác nhau ở các địa phương. Văn hóa đọc vì thế có thêm những cơ hội đâm chồi, bén rễ...

Văn hóa đọc đã được đề cập đến trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi giới thiệu sách tôn vinh văn hóa đọc... Đáng chú ý, trong 5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là các cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách các loại cho thư viện nhà trường, cho học sinh nghèo; tổ chức được trên 240.000 hội thi, hội thảo, chuyên đề, tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc. Trên 50% cơ sở giáo dục tổ chức trưng bày triển lãm, giới thiệu sách gắn với chủ đề. Trên 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và trên 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục đã phát động phong trào và tổ chức quyên góp sách xây dựng được trên 30.000 tủ sách phụ huynh. Thông qua dự án “Xe thư viện đa phương tiện lưu động”, năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ trao tặng 8 ô tô thư viện lưu động đa phương tiện (trị giá hơn 8 tỷ đồng) cho 8 thư viện tỉnh; vận động tài trợ để các thư viện có thêm phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử và sách nói phục vụ người khiếm thị…

Năm 2018 là năm thành công của ngành Xuất bản, In ấn và Phát hành trong nước khi ngành đã có sự bứt phá ngoạn mục cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đầu sách hay được phát hành, thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong nước. Đáng chú ý là các thể loại sách về lịch sử văn hóa truyền thống, nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, vùng miền; sách về kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ đáp ứng công tác nghiên cứu, phát triển các ngành mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách văn học trong và ngoài nước có giá trị dành cho bạn đọc nhiều độ tuổi cũng được xuất bản, tái bản nhiều lần. Nhiều nhà xuất bản đã đầu tư xuất bản các tác phẩm văn học của tác giả trẻ Việt Nam, góp phần tạo hiệu ứng tích cực, thu hút được nhiều thanh thiếu niên quan tâm, đọc sách. Đáng mừng là mảng sách dành cho thiếu nhi đã được nâng chất với nội dung thể hiện gần gũi, hấp dẫn lứa tuổi măng non. Một số tác phẩm truyện tranh Việt Nam được các nhà xuất bản chú trọng đầu tư hình vẽ, thiết kế đã đáp ứng nhu cầu của bạn đọc nhỏ tuổi và có giá trị giáo dục sâu sắc, giàu tính nhân văn. Đồng thời, các đơn vị xuất bản cũng đón nhận tin vui khi một số tác giả Việt đã được vinh danh trong các giải thưởng văn học quốc tế.

Theo TTXVN