Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước tại các đơn vị

Tiếp tục chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018” trên địa bàn tỉnh, ngày 18-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh, do đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, từ năm 2013-2018, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh được giao vốn gần 170 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương phân bổ về 133,2 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bổ sung 36,5 tỷ đồng. Quỹ đã chi: 410 triệu đồng cho hoạt động thường xuyên; 34,3 tỷ đồng cho quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường bộ; 127,1 tỷ đồng cho hoạt động sửa chữa vừa và 7,8 tỷ đồng cho hoạt động kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh. Từ khi có quỹ (năm 2013) nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được phân bổ nhiều hơn, bước đầu đáp ứng được nhu cầu nên 5 năm qua, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được quản lý tốt và sửa chữa kịp thời. Nhiều tuyến tỉnh lộ như: 703, 708, 707, 701 đã được khắc phục triệt để các hư hỏng kéo dài nhiều năm.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh làm việc với Sở Giao thông vận tải.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thành lập năm 2012 là một tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguồn lực tài chính cho hoạt động của quỹ bao gồm 2 nguồn: nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và nguồn thu từ nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong giai đoạn 2013-2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng với vai trò là tổ chức nhận ủy thác đã huy động được các nguồn lực xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, trở thành mắt xích quan trọng không thể thiếu để thực hiện nhiệm vụ chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng từ bên sử dụng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo hình thức chi trả gián tiếp với số tiền huy động nguồn thu và giải ngân trên 26 tỷ đồng. Tổng số dự án phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là 20 dự án, với số tiền 77,7 tỷ đồng; trong đó, 17 dự án đã nộp số tiền 75,3 tỷ đồng và 3 dự án chưa nộp tiền trồng rừng thay thế với số tiền 2,4 tỷ đồng... Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách mang tính bước ngoặt của ngành Lâm nghiệp trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng, giảm áp lực từ nguồn ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng trong việc xoá đói giảm nghèo, đảm bảo sinh kế bền vững gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Qua hoạt động giám sát, đoàn ghi nhận kết quả triển khai các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước; đồng thời đề nghị các đơn vị hoàn thiện báo cáo, nhất là các đề xuất, kiến nghị; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các loại quỹ trong thời gian tới.