Ninh Sơn: Qua 4 năm thực hiện Đề án Tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp

(NTO) Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 15-9-2015 của Huyện ủy Ninh Sơn về tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020 và 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 146-Ctr/HU ngày 25-7-2017 của Huyện ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU, huyện Ninh Sơn đã xây dựng được
vùng chuyên cây bắp lai tập trung, sản xuất hàng hóa ở xã Mỹ Sơn. Ảnh: A.T

Những năm qua, với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phấn đấu của nông dân trên toàn huyện, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng không ngừng tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành Nông nghiệp huyện đạt 6-7%, giá trị sản phẩm 1 ha đất sản xuất đạt 75,6 triệu đồng. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng xã, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến, như: Mía, khoai mỳ, lúa, được duy trì và mở rộng. Lĩnh vực chăn nuôi có bước phát triển tập trung, hình thành ngày càng nhiều các gia trại, trang trại và chăn nuôi bán công nghiệp. Chất lượng giống trên đàn gia súc từng bước được cải thiện, các hộ đã đầu tư lai tạo giống có năng suất, chất lượng cao, tính đến nay tỷ lệ bò lai sind đạt 44%. Nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng khoa học-kỹ thuật được áp dụng và phát huy hiệu quả, bước đầu hình thành những vùng nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 45 trang trại, trong đó có 16 trang trại nuôi heo liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP chi nhánh Ninh Thuận trong việc đầu tư con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm.

Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU có thể thấy, các phòng, ban và các xã đã phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua triển khai các mô hình mới, đặc biệt là về giống cây, con có năng suất, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất, đến nay 100% diện tích lúa nước trên địa bàn huyện sử dụng giống xác nhận. Đã thu hút Dự án Phát triển vùng nguyên liệu nho rượu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua hệ thống theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Công ty TNHH Lador Farm Ninh Thuận, quy mô 17 ha; Dự án trồng lan cấy mô trong nhà kính của 2 doanh nghiệp ở xã Quảng Sơn và Lâm Sơn, với tổng diện tích 7 ha. Để ứng phó với thời tiết khô hạn, huyện chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm nước, đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định. Chỉ tính riêng năm 2018, 79 hộ đã được hỗ trợ gần 2 tỷ đồng thực hiện mô hình tươi tiết kiệm nước với diện tích hơn 148 ha, nâng tổng diện tích tưới trên toàn huyện lên hơn 442 ha. Những khu vực sản xuất lúa kém hiệu quả cũng đã được chuyển qua trồng các loại cây trồng cạn và cây ăn quả cho thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Từ năm năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện triển khai nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đạt hơn 814 ha; các mô hình hỗ trợ giống cừu, dê, triển khai ở xã Quảng Sơn, Mỹ Sơn cũng đã tạo đột phá trong tăng năng suất.

Nông dân Ninh Sơn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang
trồng cây đậu xanh cho thu nhập cao.Ảnh: Nguyễn Sơn

Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU và Chương trình hành động số 146-Ctr/HU, từ nay đến hết nhiệm kỳ 2015- 2020, huyện đề ra kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, tạo bứt phá về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, chú trọng triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa quy mô 100 ha; tạo điều kiện hỗ trợ Công ty TNHH Công nghệ cao Ninh Thuận Agritech mở rộng diện tích liên kết trồng bắp sinh khối làm thức ăn chăn nuôi. Tiếp tục công tác chuyển đổi cây trồng cạn, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước đi vào chiều sâu, có tính bền vững. Để vực dậy sản xuất ở vùng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, giải pháp trọng tâm đột phá huyện đề ra là phối hợp với Công ty Cổ phần Mía đường Biên Hòa - Phan Rang triển khai, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía, gắn với áp dụng cơ giới từ khâu làm đất đến thu hoạch để giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có khả năng cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế lĩnh vực nông nghiệp ngày càng sâu rộng.