Phát triển năng lượng sạch hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững

Phát triển năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) đã và đang được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư. Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách, cơ chế để khuyến khích phát triển loại hình năng lượng này.

Phát triển năng lượng tái tạo - xu hướng của ngành năng lượng thế giới

Khác với năng lượng hóa thạch - phải mất hàng triệu năm để hình thành và đang ngày càng cạn kiệt, năng lượng tái tạo là các loại năng lượng được tạo ra trong thời gian ngắn, có nguồn gốc từ các nguồn tài nguyên gần như vô tận, không thể cạn kiệt. Các nguồn này bao gồm: năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối…

Trong nhiều năm qua, việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí…) đã khiến trữ lượng các nhiên liệu này giảm xuống mức báo động. Bên cạnh đó, quá trình khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng làm ô nhiễm môi trường, đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nhiều tác động xã hội.

Trước tình hình đó, nhiều nước đã tìm đến các nguồn năng lượng tái tạo nhằm hướng đến một nền kinh tế xanh, bền vững. Và phát triển năng lượng tái tạo đang dần trở thành xu thế của ngành năng lượng thế giới.

Năng lượng điện gió được xem như nguồn năng lượng sạch, hướng đến một nền kinh tế xanh. Ảnh: Văn Nỷ

Khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa chiến lược bởi đó là cách để giải quyết hiệu quả cho vấn đề thiếu hụt nguồn năng lượng không tái tạo hiện nay. Đồng thời, năng lượng tái tạo được xem như nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm không khí, không làm tăng thêm sự nóng lên của khí hậu toàn cầu hay hiệu ứng nhà kính.

Hiện nay, trên thế giới, năng lượng tái tạo có 3 dạng chính là: năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Trong đó, 10 quốc gia đang dẫn đầu về phát triển điện mặt trời hiện nay gồm: Hàn Quốc, Bỉ, Australia, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ, Italy, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức và 10 quốc gia đang dẫn đầu về điện gió là: Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Đức, Ireland, Mỹ, Canada, Austria, Hy Lạp.

Theo các dự kiến, nguồn năng lượng tái tạo thời gian tới sẽ tăng mạnh, ước tính tăng khoảng 6,4%/năm từ nay cho đến năm 2035.

Xây dựng và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Nhà nước, hệ thống năng lượng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ người dân. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ năng lượng liên tục tăng cao đã làm nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước như: làm cạn kiệt tài nguyên, tác động tiêu cực đến môi trường…

Do đó, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, mặt trời, sinh khối... Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với hàng loạt cơ chế, chính sách ưu tiên và mang nhiều tính đột phá, được kỳ vọng sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ gió, năng lượng mặt trời hay thậm chí là từ rác thải…

Với hơn 3.260 km đường bờ biển, nguồn năng lượng gió của Việt Nam rất dồi dào, tiềm năng sản xuất điện từ năng lượng gió có thể đạt được 24GW/năm. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới, trung bình tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Bên cạnh đó, tổng lượng rác thải toàn quốc khoảng gần 20 triệu tấn/năm, trong đó rác thải sinh hoạt chiếm 85% - đây cũng là một nguồn đáng kể có thể sản xuất, biến đổi thành nguồn năng lượng. Ngoài ra, Việt Nam còn những nguồn năng lượng tái tạo khác như: năng lượng sinh khối, khí sinh học, địa nhiệt…

Dù tiềm năng lớn, nhưng việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện nay đã có một số dự án năng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời được đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu ở các địa phương Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Những dự án này đánh dấu việc tham gia và đầu tư vào năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng sạch của Việt Nam. Nhưng để có thể đưa năng lượng tái tạo thành năng lượng thương mại là cả một bước dài. Quá trình triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo, theo các nhà chuyên môn, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù (vốn, thuế, đất đai...) thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Đồng thời, lập quy hoạch phát triển nguồn điện năng lượng tái tại cấp tỉnh, cấp quốc gia, gắn liền với việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành… các nguồn điện năng lượng tái tạo; tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn năng lượng tái tạo; các tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị được phép tham gia vào phát điện và truyền tải điện từ nguồn năng lượng tái tạo...

Bên cạnh đó là xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ về hệ thống truyền tải, phân phối điện cũng như các quy định khác, đảm bảo vận hành ổn định, hiệu quả hệ thống điện có sự tham gia của sản lượng điện từ năng lượng tái tạo...