Phước Bình phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

(NTO) Những năm qua, được sự hỗ trợ của ngành chức năng, nông dân xã Phước Bình (Bác Ái) tích cực mở rộng diện tích cây ăn quả với quy mô khá lớn, cho thu nhập cao.

Toàn xã có hơn 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng trước đây địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi để phát triển. Từ khi thực hiện Nghị quyết 02- NQ/HU của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, diện tích cây ăn quả tăng dần theo từng năm, thời điểm hiện nay đạt 100 ha; trong đó, bưởi da xanh chiếm phần lớn diện tích, hơn 50 ha, sầu triêng 20 ha, mít 10 ha, còn lại là vú sữa, cam, chôm chôm, tập trung nhiều ở các thôn Hành Bạc, Bạc Rây, Gia É, Bố Lang.

Nhờ chuyển đổi giống cây trồng, nhiều hộ nông dân
xã Phước Bình (Bác Ái) đã có thu nhập ổn định từ cây bưởi.

Thành công từ thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng, đem lại cuộc sống sung túc cho nhiều hộ. Anh Nguyễn Minh Hùng, thôn Bạc Rây 1, cho biết: “Năm 2008, nhờ sự hỗ trợ về giống của Vườn quốc gia Phước Bình, cùng với hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tôi đã cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, quy mô 3 ha, trong đó hơn một nửa là bưởi da xanh, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không riêng gì anh Hùng, một số hộ khác cũng đã thoát nghèo nhờ trồng cây ăn quả. Anh Mấu Lái, thôn Hành Bạc, cho hay: “Gia đình có 2 ha bưởi da xanh, vú sữa, cam, trong đó có 1 ha đã cho thu hoạch. So với cây bắp, sản xuất cây ăn quả lãi gấp 4 lần.

Để chương trình chuyển đổi cây trồng đảm bảo tính bền vững, ổn định lâu dài, thiết nghĩ ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; quy hoạch vùng cây trồng chủ lực nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng vùng, khuyến khích các hộ sản xuất theo quy mô lớn, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.