Anh Trương Văn Thành, tăng thêm thu nhập nhờ mô hình trồng giá

(NTO) Được Huyện đoàn Thuận Bắc giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Trương Văn Thành (ảnh), cựu đoàn viên có hơn 10 năm đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Chi đoàn thôn Láng Me, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) làm kinh tế giỏi.

Không chỉ gương mẫu trong các phong trào, hoạt động Đoàn, anh còn tìm tòi, học hỏi những mô hình sản xuất hay để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trồng giá là một trong những mô hình mà anh Thành thực hiện bởi sự đơn giản và hiệu quả kinh tế mang lại.

Bên cạnh việc làm chính là nghề hớt tóc, anh Thành còn chăn nuôi bò. Để tăng thu nhập, anh tìm đến mô hình trồng giá như là một sự tình cờ. Tháng 6-2018, đọc trên mạng, thấy cách trồng giá đơn giản, không cầu kỳ, vốn đầu tư thấp, lại có thể làm song song với công việc hằng ngày, nên anh Thành đã quyết định thực hiện. Ngoài việc học kinh nghiệm trên mạng, anh còn đi tham quan mô hình thực tế của người quen. Theo anh Thành, các giai đoạn trồng giá rất gọn, chỉ cần bỏ đậu xanh vào trong thùng, trùm kín bao lại, canh độ ẩm phù hợp, tưới nước 4-5 giờ 1 lần, khoảng 5 ngày là có thể thu hoạch. Khó khăn nhất trong thực hiện mô hình này là thị trường tiêu thụ, vì giá là loại thực phẩm sử dụng trong ngày, đầu ra chưa ổn định, nên anh chưa mạnh dạn sản xuất số lượng lớn. Tổng số vốn đầu tư ban đầu của anh gần 30 triệu đồng, lúc đầu anh chỉ làm từ 10-20kg/ ngày, sau này tìm được đầu ra, anh tăng lên 50-60kg/ngày, với giá bán từ 8.000-10.000 đồng/kg, trừ chi phí anh có thêm thu nhập hơn 200.000 đồng /ngày.

Anh Trương Văn Thành chia sẻ: “Tôi nhận thấy có thể làm công việc nhà, tham gia hoạt động của địa phương vừa kết hợp với trồng giá nên rất tiện lợi, lại có thêm thu nhập mỗi ngày. Thời gian tới, nếu tìm được thị trường tiêu thụ rộng hơn, tôi sẽ nhân rộng mô hình này trong đoàn viên, thanh niên để họ có thêm thu nhập”.