Đoàn Công tác của UBND tỉnh làm việc với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh

Vừa qua, các đồng chí: Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Trứ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có buổi làm việc với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh về Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận (Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận).

Về phía Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh có GS.TS Nguyễn Hay, Hiệu trưởng trường; TS. Bùi Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS Phạm Văn Hiền, Giám đốc Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận.

Việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận (trực thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) nhằm xây dựng và phát triển Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận trở thành Phân hiệu mạnh của khu vực miền Trung, đảm bảo có nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 416/TB-VPCP ngày 28-10-2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng
biểu trưng của tỉnh Ninh Thuận cho Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: A.Minh

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó Chính phủ đã xác định ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận. Đối với tỉnh Ninh Thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động số 181-CTr/TU ngày 21-2-2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh nghiên cứu, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận chậm nhất trong năm 2019.

Từ những chủ trương định hướng nêu trên, tại buổi làm việc, các đại biểu Đoàn công tác của UBND tỉnh và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tính đúng đắn của chủ trương sáp nhập để trong tương lai gần sẽ phát triển Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận thành Trường Đại học Ninh Thuận; đồng thời thống nhất cao trong hành động và xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt để thực hiện thành công mục tiêu sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận trong năm 2019. Cụ thể, tập trung xây dựng chiến lược và định hướng phát triển cho Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận trở thành Phân hiệu mạnh của khu vực miền Trung, đảm bảo có nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo giáo viên sư phạm, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, nhân viên và sinh viên khi thực hiện sáp nhập vào Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên phải đồng tâm, hiệp lực xây dựng Phân hiệu phát triển mạnh mẽ nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu và chất lượng đào tạo sinh viên; đồng thời xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thiện dự thảo Đề án sáp nhập báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thông qua trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Hai bên cũng đã thống nhất thành lập Tổ Công tác để phối hợp bổ sung hoàn thiện dự thảo Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét vào đầu tháng 5-2019.