Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Sơn từ mô hình trồng ớt Hàn Quốc

(NTO) Chương trình “Xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp Tập đoàn Cheil Jedang (CJ) tài trợ cho tỉnh ta triển khai thực hiện tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) từ tháng 5-2014. Đến nay, nhiều tiểu dự án của chương trình đã bước đầu mang lại hiệu quả rất thiết thực. Mô hình trồng ớt Hàn Quốc là một trong những tiểu dự án đã và đang mở ra cơ hội thoát nghèo hiệu quả cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Ninh Sơn.

Qua 4 mùa tham gia trồng ớt Hàn Quốc, được sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia đến từ Tập đoàn CJ và cán bộ kỹ thuật phụ trách dự án, mùa thu hoạch ớt đợt 1 vào đầu tháng 3 vừa qua, 3 sào ớt của anh Soh Ao Ha Binh, thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn đã cho năng suất và giá trị thu nhập cao hơn mong đợi so với các cây trồng mà gia đình anh sản xuất nhiều năm trước là bắp, lúa. “Ớt mình thu 1 sào trung bình đạt khoảng trên dưới 2 tấn, bán cho hợp tác xã giá 11.000 đồng/kg, nếu tính lãi thì so với trồng cây bắp cao hơn 3 đến 4 triệu đồng/sào. Trồng bắp giá cả không ổn định năm nào cũng lo lắng, nhờ chuyển sang trồng cây ớt Hàn Quốc gia đình đã có thu nhập ổn định hơn”, anh Ha Binh chia sẻ.

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân thu hoạch ớt Hàn Quốc.

Với diện tích thí điểm ban đầu tại hai hộ chỉ là 6 sào (6.000m²), sau năm đầu tiên trồng khảo nghiệm, chất lượng ớt được đánh giá đạt, diện tích trồng ớt ngày càng thu hút bà con đăng ký tham gia trồng mở rộng. Đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân đã có trên 50 thành viên tham gia trồng ớt Hàn Quốc, diện tích lên đến 12 ha. Một trong những cơ chế để thu hút người dân “hăng hái” tham gia mở rộng diện tích ớt chính là sự hỗ trợ rất tích cực của đơn vị đầu tư đó là Tập đoàn CJ. Ngoài việc cung cấp giống, phân bón, Tập đoàn CJ còn cử chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc ớt theo hướng sản xuất hiện đại cho nông dân và đặc biệt thông qua HTX, Tập đoàn CJ đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 11 nghìn đồng/kg. Đây được xem là tín hiệu rất đáng mừng bởi hầu hết các loại cây trồng của người dân lâu nay vấn đề đáng lo ngại nhất chính là khó khăn về “đầu ra”.

Ông Dà Droách Ha Khiết, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tầm Ngân cho biết: Trước đây, phần lớn diện tích vườn rẫy của bà con xã viên HTX chủ yếu trồng bắp cho năng suất thấp, giá cả thị trường lại bấp bênh nên đời sống chưa ổn định. Từ ngày triển khai dự án trồng ớt đã góp phần cải thiện đời sống của bà con nhiều. Sắp tới chúng tôi không chỉ vận động thêm bà con trong vùng dự án mà liên hệ với nông dân các huyện khác để mở rộng diện tích, nhằm giúp thêm nhiều hộ có hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả hơn.

Được biết, với giá bao tiêu 11.000 đồng/kg ớt tươi thu tại rẫy như hiện nay, thì sau khoảng ba tháng chăm sóc cho thu hoạch năng suất đạt, mỗi sào ớt người dân cũng lãi từ 10 đến 12 triệu đồng/vụ. Thêm vào đó, từ việc được hướng dẫn kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc” của đội ngũ chuyên gia, cán bộ đến từ CJ, qua mỗi vụ thu hoạch năng suất trồng ớt của bà con lại tăng cao rõ rệt. “Nhận thức của bà con tham gia trồng ớt đã thay đổi và nâng cao hơn rất nhiều, mùa ớt vừa qua nhiều hộ đã tự chủ động áp dụng cách thức sản xuất mới rất hiệu quả, nhiều lúc cán bộ chúng tôi đến chủ yếu để theo dõi và hướng dẫn thêm cho bà con về phương pháp lựa chọn trái sau thu hoạch và phòng trừ một số sâu bệnh cần thiết”, anh Lương Thiên Tường, nhân viên, trợ lý hỗ trợ kỹ thuật dự án trồng ớt của Tập đoàn CJ khẳng định.

Trước hiệu quả bước đầu mang lại của dự án trồng ớt Hàn Quốc, vừa qua trong buổi tiếp và làm việc với đại diện của Tập đoàn CJ đến Ninh Thuận để khảo sát về tình hình mở rộng hướng hỗ trợ cho tỉnh trong những năm tiếp theo, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá cao mô hình trồng ớt mà CJ đang triển khai tại thôn Tầm Ngân. Đồng chí cũng mong muốn Tập đoàn CJ tiếp tục có những khảo sát đánh giá cụ thể hơn và có hướng hỗ trợ mở rộng hướng phát triển không chỉ cây ớt mà thêm một sô loại cây trồng khác, nhằm giả quyết việc làm và tạo cơ hội cho đồng bào DTTS Ninh Thuận vươn lên thoát nghèo.