Tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp

Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Đây là chuyến thăm chính thức Pháp của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 11 năm. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, nhằm củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Pháp, triển khai kết quả chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cụ thể hóa Tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về hợp tác nghị viện.   

Mối quan hệ chính trị tốt đẹp

Với lịch sử lâu đời cùng bề dày văn hóa, Pháp được coi là một trong những trung tâm chính trị, văn hóa nghệ thuật có ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực châu Âu cũng như trên toàn thế giới. Không chỉ là một đất nước của những điểm đến lãng mạn, Pháp còn là một cường quốc kinh tế lớn thứ năm thế giới, đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu dịch vụ. Bên cạnh đó, Pháp cũng triển khai chính sách ngoại giao toàn diện, giữ vai trò cầu nối hoặc đi đầu trong các vấn đề toàn cầu và tại các điểm nóng khu vực và quốc tế. Viện trợ phát triển của Pháp luôn kết hợp chính sách xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững trong cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Trong tổng giá trị viện trợ phát triển toàn cầu, quốc gia này đã đóng góp 10%, xếp thứ tư trên thế giới.

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12-4-1973. Từ cuối những năm 1980, Pháp đi đầu các nước phương Tây trong khai thông quan hệ và xóa nợ cho Việt Nam, giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ thành viên CLB Paris.

Năm 2013, 40 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, mà nổi bật gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande năm 2016 và chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3-2018.

Bên cạnh đó, hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác, nổi bật là Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì.

Nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam

Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993. Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).               

Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam và vay ưu đãi tổng số đạt 2,2 tỷ euro. Trước đây, các dự án thường có mức vốn trung bình (tối đa 55 triệu euro/dự án), nay Pháp cam kết mức vốn lớn tới 280 triệu euro/dự án và quan tâm nhiều đến các dự án hạ tầng quy mô lớn. Có thể kể đến một số dự án trọng điểm là dự án vệ tinh nhỏ VNREDSat-1 (57,8 triệu euro), trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (100 triệu euro), tầu điện ngầm Hà Nội (335 triệu euro)...

Pháp cũng là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Ý) với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 5,1 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm-sứ-mây-tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử; nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp-thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm.

Về đầu tư, năm 2017, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,8 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến-chế tạo, sản xuất-phân phối điện khí nước điều hòa. Về phía Việt Nam, tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,04 triệu USD.

Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực

- Hợp tác giáo dục là ưu tiên của Pháp

Pháp luôn coi giáo dục-đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới... Hàng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập. Trong 10 năm qua, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40%, hiện có trên 7.000 sinh viên (Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới).

- Về hợp tác y tế

Hiện có 30 dự án hợp tác đào tạo y học và cận y học như đào tạo bác sỹ nội trú tại các bệnh viện Pháp. Các dự án hợp tác này được tài trợ từ các Quỹ đối tác bệnh viện của Bộ Ngoại giao Pháp, Chương trình liên đới mạng điều trị (ESTHER) và quỹ riêng của các bệnh viện Pháp. Hợp tác y tế Việt - Pháp ưu tiên đào tạo ngành y, củng cố đào tạo nhân viên chăm sóc, củng cố khả năng quản lý bệnh viện

- Văn hóa-Du lịch

Pháp đứng thứ bảy trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường du lịch trọng điểm.

Cùng với đó, giao lưu văn hoá giữa hai nước ngày càng phát triển. Đặc biệt,  hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Năm Việt Nam-Pháp (2013-2014) tại hai nước nhân 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương

Ngoài ra, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, an ninh-quốc phòng, hợp tác địa phương có nhiều dấu ấn. Ðều là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ.

Với quan hệ tốt đẹp được xây dựng, củng cố trong suốt hơn 40 năm qua giữa hai nước, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là một hoạt động ý nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ tiếp tục nâng cao quan hệ và hướng tới tương lai của hai nước.

(Theo TTXVN)