Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn huyện Ninh Sơn

(NTO) Ngày 26-3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Ninh Sơn về thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2012-2018. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội  phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Ninh Sơn.

Theo báo cáo của UBND huyện Ninh Sơn, trong giai đoạn 2012-2015, với nhiều giải pháp thích hợp, đồng bộ, kết hợp với một số chính sách ưu đãi của Nhà nước và phong trào “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng, từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,42% (4.287 hộ) xuống còn 15,99% (3.253 hộ), giảm 6,43%; 100% hộ nghèo toàn huyện được hỗ trợ tiền điện và bảo hiểm y tế. Riêng trong giai đoạn 2016-2018 (hộ nghèo theo chuẩn mới) với sự quan tâm tích cực của cả hệ thống chính trị, có nhiều cách làm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 25,95% (5.339 hộ) xuống còn 14,97% (3.315 hộ), giảm 10,98%. Việc thực hiện các chính sách, pháp luật về Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện được triển khai đầy đủ, kịp thời, đặc biệt với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, các chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo vùng đồng bào DTTS trong những năm qua đã góp phần ổn định đời sống của người nghèo giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của huyện Ninh Sơn đối với công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS trong thời gian qua. Để công tác này đạt kết quả tích cực hơn trong thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS về công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường tập huấn, chuyển giao các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, tạo đột phá trong công tác giảm nghèo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc huy động các nguồn lực từ Trung ương, của tỉnh và xã hội đối với công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chú trọng công tác xuất khẩu đối với người DTTS. Đồng chí cũng đề nghị huyện tổ chức lại sản xuất, dân cư, đồng thời nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS.

Trước đó, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND xã Ma Nới, Hòa Sơn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2012-2018 trên địa bàn các xã.

► Ngày 25-3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Bác Ái về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012- 2018. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận.

Theo báo cáo của UBND huyện Bác Ái, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo của huyện Bác Ái đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2012 - 2018, huyện được bố trí nhiều kinh phí từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng cho xã đặc biệt khó khăn. Việc triển khai lồng ghép các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương đã cải thiện khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản. Tính đến hết năm 2018, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2.972 hộ, chiếm 40,31%, giảm 954 hộ, giảm 18,47% so với đầu năm 2016; có 6/9 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 3 xã so với năm 2015; 9/9 trạm y tế có bác sỹ, đạt 100% kế hoạch; đời sống của các hộ nghèo ngày càng được nâng cao, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hôi cơ bản....

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện Bác Ái trong những năm qua; đồng thời đề nghị trong thời gian tới huyện cần quan tâm hơn nữa đến các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững; thường xuyên đánh giá hiệu quả chương trình giảm nghèo để có những đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tế; lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, tránh chồng chéo và huy động mọi nguồn lực trong xã hội đối với công tác giảm nghèo; tăng cường công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với người nghèo, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; đồng thời tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Trước đó, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND xã Phước Trung, Phước Đại giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2018 trên địa bàn các xã.