Tin thế giới

► Liên hợp quốc khẳng định quy chế đối với Cao nguyên Golan chưa thay đổi

Ngày 25-3, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric khẳng định chính sách của LHQ về Cao nguyên Golan chưa thay đổi.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ Israel chiếm giữ từ Syria năm 1967 và sáp nhập năm 1981.

Israel chiếm Cao nguyên Golan trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ nước này năm 1981, trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Ngay sau động thái này của Israel, Hội đồng bảo an đã thông qua một nghị quyết với sự nhất trí của toàn bộ 15 nước thành viên, nêu rõ “quyết định của Israel áp đặt luật pháp, quyền tài phán và quyền quản lý của nước này đối với Cao nguyên Golan chiếm đóng là vô nghĩa, không có giá trị và không có hiệu lực pháp lý quốc tế”. Nghị quyết cũng yêu cầu Israel rút lại quyết định này.

Hàn Quốc phản đối Nhật Bản thông qua bộ sách giáo khoa tiểu học mới

Hàn Quốc ngày 26-3 đã gay gắt lên án việc Nhật Bản thông qua bộ sách giáo khoa tiểu học mới, trong đó phản ánh yêu sách chủ quyền mạnh mẽ hơn của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đối với quần đảo Dokdo hiện do Hàn Quốc kiểm soát mà phía Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima. Phía Seoul coi động thái này của Nhật Bản là hành động “rất khiêu khích”.

Trước đó cùng ngày, Bộ Giáo dục Nhật Bản tuyên bố sẽ cho phép các trường học của nước này sử dụng 10 cuốn sách giáo khoa nghiên cứu xã hội được 3 nhà xuất bản địa phương biên soạn, bắt đầu từ ngày 28-2 tới. Tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima xuất hiện trong 9 trên tổng số 10 cuốn sách nói trên, vốn sẽ được sử dụng cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 6.

 Trung Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn dầu thô của Nga

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu thô nhập khẩu đã tăng vọt lên khoảng 70%, trong bối cảnh Nga hiện vẫn là nhà cung cấp lớn nhất của nước này trong ba năm liên tiếp từ 2016-2018.

Theo bản báo cáo chung do Hiệp hội Doanh nghiệp Dầu khí Trung Quốc và Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế công bố ngày 24-3, với tổng khối lượng nhập khẩu đứng ở mức 71,49 triệu tấn trong năm 2018, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017, thị phần của Nga chiếm khoảng 15,7%, tiếp đó là Saudi Arabia và Angola.

Báo cáo nhấn mạnh trong 6 năm qua, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, trong khi doanh thu từ những sản phẩm xuất khẩu đó sang Trung Quốc đã đóng góp khoảng 40% doanh thu tài chính của Nga.