Cô giáo Bùi Thị Ngọc Túy gắn bó với trẻ khuyết tật

(NTO) 19 năm từ ngày Trường Khuyết tật Quảng Sơn thành lập cũng là ngần ấy thời gian cô giáo Bùi Thị Ngọc Túy, thôn Triệu Phong 2, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) gắn bó với ngôi trường này và trở thành người mẹ thứ hai của hàng trăm đứa trẻ khuyết tật tại địa phương.

Gặp cô giáo Túy vào một ngày đầu xuân 2019, cô vui mừng chia sẻ: Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, học sinh (HS) của trường nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, tặng quà của chính quyền các cấp và mạnh thường quân nhiều nơi…. Bao giờ cũng vậy, trong mỗi câu chuyện, cô giáo Túy luôn dẫn dắt chúng tôi về những học trò kém may mắn của mình. Lớp học có bao nhiêu trẻ, em này hoàn cảnh ra sao, em kia gia đình thế nào cô đều nắm rõ. Cũng là điều dễ hiểu bởi ở ngôi trường này, nhiều em đã gắn bó với cô từ khi còn là đứa trẻ lên 3, lên 4 nay đã mười tám, đôi mươi…

Thời gian dài gắn bó, với các em, cô giáo Túy không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ hiền thứ hai của các trẻ. Ngày ngày, một mình tự tay chăm bẵm, lo lắng từ bữa ăn, giấc ngủ đến dạy dỗ từng con số, mặt chữ cho gần 30 em nhỏ. Có những em khi đến trường dù đã 5, 6 tuổi vẫn không ý thức được chuyện vệ sinh cá nhân nên cô giáo Túy phải kiên trì, nhẫn nại hàng tháng trời, thậm chí cả năm để tạo thói quen cho các em.

Cô giáo Bùi Thị Ngọc Túy với những học sinh của mình.

Công việc luôn tay nên hằng ngày phải hơn 12 giờ trưa, sau khi lo cho các em ăn uống, ngủ nghỉ đâu vào đấy cô mới bắt đầu ăn cơm. Vậy nhưng, HS khuyết tật thường hay “trở chứng” nên chuyện bỏ giở bữa cơm để quản lý trật tự, không cho các em quấy phá làm ảnh hưởng đến những người xung quanh vẫn thường xảy ra. Nói về sự vất vả trong việc chăm sóc những trẻ khuyết tật, cô giáo Túy nêu ra một ví dụ rất đơn giản: Dùng 1 cây thước gõ nhẹ lên mặt bàn có thể làm 50 HS ổn định nền nếp, nhưng nếu không có cách thì 50 tiếng gõ chưa chắc đưa được 1 HS khuyết tật vào chỗ ngồi. Dạy HS khuyết tật, nhất là các em bị thể: Down, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ trước hết cần phải biết dỗ. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi một giáo viên dạy trẻ khuyết tật như cô giáo Túy phải nỗ lực từng ngày, từng giờ.

Kể về mối cơ duyên gắn bó với những “ngọn nến cong” cô giáo Túy nhớ lại: Năm 2001, khi được các sơ cử đi học ngắn hạn tại Đà nẵng để về dạy trẻ cô mừng lắm nên hồ hởi chuẩn bị tư trang lên đường. Lúc ấy, cô không hề hay biết mình sẽ được đào tạo để về dạy các em nhỏ khuyết tật. Đến khi đi thực tập tại cơ sở, tiếp xúc với những em khuyết tật ở thể nặng cô cảm thấy “sốc” và vô cùng xót xa. Khi trở về, cô trăn trở, suy nghĩ đúng một tuần rồi mới đưa ra quyết định sẽ đảm nhận công việc được giao. Cô hiểu rằng, các em vốn là những đứa trẻ mang trong mình nhiều thiệt thòi nên rất cần được yêu thương, che chở và chăm sóc. Đến khi lập gia đình và may mắn có đứa con khỏe mạnh, cô lại càng thêm thương những học trò của mình.

Dù rằng, có những lúc vì quá vất vả cô nghĩ sẽ tìm một công việc khác nhàn nhã hơn nhưng nhìn những đứa trẻ đã bao năm gắn bó với mình rồi đây sẽ không ai chăm sóc, dạy dỗ cô lại không thể rời đi. Mỗi ngày được gặp gỡ, chăm sóc các em, với cô giáo Túy là một ngày vui và sẽ là động lực để cô mãi gắn bó với các em, với ngôi trường đến khi sức khỏe không còn cho phép.

Nói về cô giáo Túy, nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường Khuyết tật Quảng Sơn cho biết: Đó là một giáo viên hết lòng, tận tâm với HS và biết thông cảm với bộn bề công việc của phụ huynh nên luôn đi sớm, về trễ. Chúng tôi rất yên tâm khi gửi con em ở đây và mong rằng cô giáo sẽ chẳng bao giờ rời xa mái trường này.