Tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội miền núi

(NTO) Ngày 15-3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) miền núi theo Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh (Đề án 71), triển khai phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH miền núi đến năm 2020. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 71 chủ trì cuộc họp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 3 năm triển khai Đề án 71, các sở, ban, ngành và UBND các huyện đã cụ thể hóa các nội dung và các chỉ tiêu vào chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm. Huy động các nguồn lực trong phát triển KT-XH của địa phương theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái đa dạng sinh học. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ du lịch, công nghiệp; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường. Cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng khai thác các tiềm năng, lợi thế cùa vùng. Đã tạo sự chuyển biến căn bản về phát triển KT-XH, diện mạo mới vùng nông thôn, miền núi. Đời sống vật chất, tinh thần cùa đồng bào miền núi được cải thiện rõ nét hơn. Các mô hình giảm nghèo hiệu quả, giải quyết việc làm mới cho lao động nông thôn miền núi đạt và vượt kế hoạch; công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: X.B

Mục tiêu đến năm 2020, Đề án 71 đặt ra: Phấn đấu 4 huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc mỗi huyện có ít nhất 1 dự án nông nghiệp công nghệ cao; hình thành 1 cụm công nghiệp tại xã Phuớc Tiến (Bác Ái). Phấn đấu các huyện có từ 3 xã miền núi trở lên hình thành 1 đến 2 mô hình kinh tế phát triển bền vững gắn với bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng; có thêm 4 xã: Lương Sơn, Hòa Sơn, Vĩnh Hải, Lợi Hải đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng (trong đó, huyện Bác Ái 18 triệu đồng). Về xã hội, giải quyết việc làm mới bình quân 4.700-5.000 người/năm, trong đó phấn đấu mỗi năm đưa từ 60-70 lao động miền núi đi làm việc có thời hạn ở nuớc ngoài; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5-6%/năm; 19 trường trường đạt chuẩn quốc gia; đào tạo nghề cho 3.693 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 4.000 người vào năm 2020.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các sở, ngành, địa phương đã chủ động triển khai Đề án 71 có hiệu quả, các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đề ra đều đạt. Nhấn mạnh Đề án 71 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh, trong thời gian đến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương bám sát Đề án 71 triển khai thực hiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, phát triển KT-XH miền núi theo hướng bền vững. Các sở, ngành và 6 địa phương tiếp tục quan tâm bổ sung các chính sách ưu đãi để thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng đầu tư cho vùng miền núi của tỉnh. Đổi mới, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển KT-XH của Đảng và Nhà nước, kết hợp đồng bộ với việc tập huấn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất trong cộng đồng dân cư. Triển khai lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực, các chương trình, chính sách để hỗ trợ phát triển KT-XH miền núi, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, tăng thu nhập, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng đồng bằng.