Bác Ái nỗ lực giảm nghèo bền vững

(NTO) Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của các cấp, ngành cùng sự nỗ lực của địa phương trong thực hiện chương trình giảm nghèo, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Bác Ái đã có bước khởi sắc rõ nét, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đều giảm vượt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Tạo động lực cho người nghèo

Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, huyện Bác Ái đã chú trọng thực hiện hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai nhiều dự án phát triển sản xuất và nhân rộng các mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: Mô hình trồng cây bắp lai, lúa nước, mì, cây ăn quả, chăn nuôi bò, dê, cừu và heo đen. Được sự hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp, các mô hình đều phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập, từng bước thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, chăn nuôi của nông dân. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cho 21 cộng đồng thôn, với 592 hộ dân trên tổng diện tích rừng được giao khoán 10.844 ha.

Nông dân huyện Bác Ái mở rộng diện tích trồng bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.M

Để giúp cho người dân có thêm nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, trong những năm qua, UBND huyện Bác Ái cũng quan tâm thực hiện chính sách cho người dân vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 162,6 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển trang trại, tổng số dư nợ cho vay trên 200 tỷ đồng. Từ các chính sách vay vốn ưu đãi, người dân đã sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích và tập trung chủ yếu cho trồng trọt, phát triển chăn nuôi tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước, vươn lên thoát nghèo.

Một trong những “kênh” góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo hiệu quả tại địa phương, đó là tham gia xuất khẩu lao động. Trong năm 2018, bằng nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, người dân đã dần thay đổi nhận thức, mạnh dạn đăng ký đi làm việc tại một số nước, bước đầu cho thu nhập khá gửi về cho gia đình để tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Hiện nay, toàn huyện Bác Ái có 196 người tham gia xuất khẩu lao động, riêng năm 2018 có 75 người, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Thực hiện chính sách đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, huyện đã phối hợp các đơn vị tổ chức đào tạo nghề mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho lao động địa phương. Số lao động sau học nghề đã được trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức và trình độ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ những chính sách từ chương trình giảm nghèo, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã có bước khởi sắc rõ nét, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 10%; đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số ngày một ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo tuy có thay đổi về tiêu chí, nhưng trung bình hằng năm huyện vẫn giảm từ 6-8% hộ nghèo. Riêng năm 2018, qua rà soát tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 40,31%, giảm 6,06% so với năm 2017.

Các mô hình sản xuất hiệu quả góp phần tạo thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân Bác Ái.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Tuy nhiên nhìn về tổng thể, kinh tế - xã hội của huyện Bác Ái vẫn chưa phát triển; tuy là vùng có tiềm năng về đất đai và tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa được đầu tư khai thác hiệu quả; kinh tế vẫn chưa đột phá phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn còn thấp, còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong những năm qua, yếu tố thời tiết nắng hạn liên tiếp xảy ra đã gây thiệt hại đến sản xuất của người dân; một số chương trình dự án, mô hình sản xuất vì thế chưa phát huy được hiệu quả. Mặt khác, một số nguồn kinh phí sau khi phân bổ về địa phương nhưng việc sử dụng, giải ngân đạt kết quả thấp, nhất là kinh phí sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135 trên địa bàn huyện. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong nhân dân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn hạn chế; ý thức tự vươn lên của một bộ phận người dân chưa cao, còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Nhằm mục tiêu đẩy nhanh việc giảm nghèo bền vững và giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2019, huyện Bác Ái tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế sát với điều kiện tự nhiên, môi trường và nhu cầu thực tiễn; hướng dẫn người dân áp dụng kiến thức kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, gắn với tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; kịp thời phân bổ, sử dụng nguồn vốn chương trình giảm nghèo tại địa phương đảm bảo đúng quy định, đẩy mạnh việc giải ngân các nguồn kinh phí nhất là kinh phí sự nghiệp giảm nghèo. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phù hợp với các đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự giác, chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, chú trọng các giải pháp giảm nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều và tiếp tục hỗ trợ chính sách cho các hộ dân sau khi thoát nghèo. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a.

* Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện Bác Ái, trong năm 2018, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam-đơn vị được phân công giúp đỡ đã hỗ trợ địa phương trên 7,7 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ này, huyện Bác Ái đã triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản tại xã Phước Thắng và Phước Trung; hỗ trợ xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách (mỗi căn nhà trị giá 40 triệu đồng), xây dựng khu hiệu bộ, nhà ở và vệ sinh cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Phước Thành B (5,9 tỷ đồng). Qua đó góp phần tạo điều kiện để các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện.

Được biết, năm 2019 Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương thực hiện các chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với tổng số tiền trên 9,3 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 1 tỷ đồng phát triển mô hình nuôi heo đen, hỗ trợ xây dựng thêm 20 căn nhà tình nghĩa và hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng kinh tế-xã hội tại địa phương.