Vấn đề rác thải nhựa: Bảo vệ đại dương cũng chính là bảo vệ tương lai của thế hệ mai sau

Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề quy mô toàn cầu và chỉ có thể được giải quyết với sự chung sức của tất cả các quốc gia. Hạn chế rồi sau đó tiến tới không còn rác thải nhựa đang là biện pháp khẩn thiết để bảo vệ đại dương và cũng chính là bảo vệ tương lai của thế hệ mai sau.

Rác thải nhựa - nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường

Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần. Có nghĩa rằng trong hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm quá nửa trong số đó chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác tiện ích trong ít phút như cốc nhựa, ống hút, túi nilon… Sau đó, những thứ này bị vứt ra môi trường và trở thành những thứ đồ nhựa vô dụng. Nó tồn tại trong môi trường tự nhiên và trở nên vô cùng nguy hại. Rõ ràng thói quen sử dụng túi nilon, nhựa dùng một lần có thể đem lại sự tiện lợi cho con người trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng ít ai ngờ nó lại là tác nhân đẩy môi trường đứng trước thảm họa ô nhiễm.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Rác thải nhựa rất nhiều nằm dưới đáy đại dương và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá.

Theo các nhà khoa học, rác nhựa tồn tại trong tự nhiên phải đến 400 năm mới tự phân hủy. Như vậy với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Rác thải nhựa tồn đọng trên đất liền thì làm ô nhiễm các vùng đất, trên biển thì làm chết các loài thủy sinh.

Hiện Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển với mỗi năm không dưới 700.000 tấn. 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.

Chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa

Trước sự cấp thiết của việc phải bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm rác thải nhựa, theo Liên hợp quốc, 50 quốc gia trên thế giới đã đưa ra cam kết hành động để giảm ô nhiễm trắng.

- Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần, đồng thời kêu gọi thu gom để tái sử dụng hầu hết các loại chai nhựa vào năm 2025. EU đề xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa, thìa, đũa... phải được làm bằng các vật liệu tái sử dụng. Ngoài ra, các thành viên EU cũng phải giảm việc sử dụng các đồ chứa thực phẩm, đồ uống được làm từ nhựa, dùng các giải pháp thay thế khi bán hàng hoặc đảm bảo rằng người mua phải trả tiền khi sử dụng các vật này.

Thêm nữa, các nhà sản xuất cũng phải đóng một khoản phí quản lý rác thải và sẽ được khuyến khích dùng các giải pháp thay thế ít ô nhiễm hơn. Bên cạnh đó, họ cũng phải dán nhãn sản phẩm và thông tin tới người tiêu dùng về việc rác thải sẽ được xử lý như thế nào.

- Tại Mỹ, bang California đã trở thành bang đầu tiên ban hành luật cấm các nhà hàng tự động cung cấp ống hút bằng nhựa dùng một lần cho khách hàng. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2019.

- Vanuatu cũng đã công bố kế hoạch cấm đồ dùng 1 lần. Những thứ như dao kéo nhựa, cốc nhựa, khuấy đồ uống bằng nhựa và các loại bao bì thực phẩm, tã trẻ em cũng sẽ bị cấm. Lệnh cấm này sẽ được quốc hội phê chuẩn vào 1-12-2019.

Năm 2018, Vanuatu trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm túi nhựa sử dụng 1 lần.

- Nhật Bản - nước có lượng rác thải nhựa tính trên đầu người cao thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ, cũng cam kết sẽ cắt giảm 25% rác thải nhựa trong thập kỷ tới.

- Giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở biển Đông cũng đã trở thành một mối quan tâm lớn của các nước ASEAN. Đây cũng chính là chủ đề được thảo luận tại cuộc Đối thoại Biển được tổ chức bởi Học viện Ngoại giao Việt Nam, cùng Viện Konrad-Adenauer của Đức và Đại sứ quán Australia vừa diễn ra tại Hà Nội.

Kể từ tháng 4-2019, Chính phủ Campuchia bắt đầu đánh thuế việc sử dụng túi nilon. Những người đi mua sắm ở các trung tâm thương mại và các siêu thị sẽ phải trả thêm 400 Riel (khoảng 2.300 đồng) cho 1 túi nilon.

Từ năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã khởi động chiến dịch ứng phó với tình trạng xả rác thải nhựa và sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu này trong những năm sắp tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai nhiều giải pháp như: xây dựng các cơ chế chính sách về thuế, các hoạt động truyền thông, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất, sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.

Nhiều đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh vừa phát động các phong trào ngày làm sạch rác nhựa để nâng cao nhận thức cộng đồng. Một số tổ chức môi trường tại Việt nam đã và đang hỗ trợ triển khai các chương trình truyền thông, các dự án cụ thể về giảm sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nhựa cũng như quản lý rác thải nhựa.

Và mới đây, Cơ quan quốc tế bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cũng đưa ra sáng kiến về xây dựng thành phố thông minh, một thành phố có lượng rác thải ít nhất và được quản lý tốt nhất nhằm ngăn chặn lượng rác thải thất thoát ra môi trường.