Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

Ngày 12-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và nhấn nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Lễ khai trương do Văn phòng Chính phủ tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự buổi lễ còn có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Tại điểm cầu tỉnh ta, Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Ngày 12-7-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy; trong đó, Trục liên thông văn bản quốc gia đóng vai trò là giải pháp, công nghệ để gửi, nhận, chia sẻ văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là bước đi quan trọng, tạo cơ sở cho những bước tiếp theo nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số với thông điệp “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất” mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Đến thời điểm này có 95/95 cơ quan Trung ương và địa phương, 31 bộ, cơ quan ngang bộ, 64 địa phương đã hoàn thành kết nối trục liên thông văn bản quốc gia.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: U.Thu

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc ứng dụng Trục liên thông văn bản quốc gia là bước đột phá mạnh mẽ quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh, cải cách thủ tục hành chính, xử lý hiệu quả văn bản trong hành chính công, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần phòng, chống tham những, tiêu cực trong xã hội. Để sử dụng thông suốt, hiệu quả Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện việc nhận, gửi, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, doanh nghiệp sử dụng gửi, nhận văn bản điện tử; huy động và sử dụng mọi nguồn lực để hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là trên lĩnh vực hộ tịch, đất đai… ; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức, không để lộ bí mật nhà nước… Đồng thời cần học hỏi kinh nghiệm những nước đi trước, lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với tình hình của nước ta… nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Chính phủ điện tử hiện đại.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia. Các thao tác nhận, gửi, ban hành văn bản được thực hiện thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.