Tin thế giới

* IMF khẳng định sẵn sàng cứu trợ nền kinh tế Venezuela.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 7-3 nói rằng, định chế tài chính đa phương toàn cầu này sẵn sàng cứu trợ nền kinh tế Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la), song lưu ý nhiệm vụ này quá lớn và đòi hỏi sự trợ giúp tài chính từ các tổ chức quốc tế khác. 

Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde. (Nguồn: AP)

Theo bà Lagarde, cứu trợ tài chính cho Venezuela đòi hỏi một số tiền đáng kể, song không đưa ra con số cụ thể. Kể từ cuối thời cựu Tổng thống Hugo Chavez và người kế nhiệm Nicolas Maduro, Caracas đã từ chối cung cấp thông tin kiểm toán hàng năm mà IMF yêu cầu từ các nước thành viên tổ chức này.

Theo đánh giá của IMF, nền kinh tế Venezuela, vốn phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2013. Tình trạng siêu lạm phát, thiếu lương thực và những nhu yếu phẩm khác đã khiến ít nhất 3 triệu người Venezuela rời bỏ quốc gia này. Người phát ngôn của IMF Gerry Rice đánh giá cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela là một trong những cuộc khủng hoảng phức tạp nhất mà IMF từng chứng kiến.

* Syria bác báo cáo của OPCW về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Douma.

Ngày 7-3, Bộ Ngoại giao Syria đã bác bỏ báo cáo của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho rằng một loại chất độc hóa học có thể đã được sử dụng trong vụ tấn công tại khu vực Douma do phe nổi dậy ở Syria kiểm soát hồi tháng 4 năm ngoái.

Hãng thông tấn nhà nước SANA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria khẳng định kết luận trên của OPCW là “hoàn toàn xuyên tạc”. Tuyên bố cho rằng OPCW “thành kiến và không khách quan”, theo đó cuộc điều tra của tổ chức này đã “phớt lờ lời kể của các nhân chứng khẳng định lực lượng nổi dậy kiểm soát khu vực Douma thời điểm đó là bên đã tiến hành vụ tấn công nói trên. Bộ Ngoại giao Syria kêu gọi các nước thành viên OPCW bác bỏ các báo cáo “sai sự thật và thiếu tin cậy” như vậy, đồng thời khẳng định Chính phủ Syria sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức liên chính phủ như đã cam kết.

* Nhật Bản thông qua dự luật cấm quấy rối nơi công sở.

Ngày 8-3, Nội các Nhật Bản đã thông qua một loạt dự luật sửa đổi, trong đó cấm mọi hình thức quấy rối ở nơi làm việc và yêu cầu các công ty ngăn chặn tình trạng lạm dụng chức quyền hoặc ức hiếp, bắt nạt.

Theo hãng tin Kyodo, gói dự luật trên quy định mọi hành vi quấy rối của những người lợi dụng chức vụ cao hơn nơi công sở sẽ bị coi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, dự luật không đặt ra khung hình phạt đối với những người vi phạm. 

Những quy định mới cũng sẽ cấm các công ty có hành vi đối xử không công bằng đối với những lao động trình báo việc họ là nạn nhân của quấy rối tình dục. Ngoài ra, các công ty có nhân viên quấy rối tình dục một nhân viên của công ty khác sẽ buộc phải hợp tác trong tiến trình điều tra khi được yêu cầu. 

Để thúc đẩy sự tiến bộ xã hội của phụ nữ, Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu các công ty vừa và nhỏ, có quy mô từ 100-300 nhân viên, đặt ra một loạt mục tiêu để thúc đẩy vai trò của phụ nữ lên các vị trí cao hơn.