Câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc Chăm góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Chăm

(NTO) Ninh Phước là địa phương quan tâm thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) phổ biến truyền nghề nhạc cụ dân tộc Chăm. Mô hình CLB nhạc cụ dân tộc Chăm góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Chăm và cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

Ninh Phước hiện có 10.430 hộ, với gần 49.000 người Chăm sinh sống tập trung ở 20 thôn, khu phố thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn, chiếm 60% đồng bào Chăm toàn tỉnh. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp ở vùng đồng bào Chăm, mỗi thôn đều thành lập một đội văn nghệ gồm 15- 20 diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị- văn hóa quan trọng ở địa phương. Các nghệ nhân dân gian Chăm biểu diễn dân ca, dân vũ đặc sắc trên nền nhạc cụ dân tộc luôn nhận được sự yêu thích tán thưởng của khán giả. Trong những năm gần đây, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho các khu dân cư ở huyện Ninh Phước hàng chục tỷ đồng để mua sắm nhạc cụ, thiết bị âm thanh, dụng cụ thể dục- thể thao, xây dựng trạm truyền thanh, nhà sinh hoạt văn hóa phục vụ nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Chăm. Đồng thời, cấp ủy và chính quyền các xã, thị trấn quan tâm chăm lo việc thành lập các CLB nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm, chế tác nhạc cụ, truyền dạy các điệu múa truyền thống gắn với hoạt động nghi lễ truyền thống và chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Trong đó có nhiều CLB được củng cố hoạt động hiệu quả như các khu phố Mỹ Nghiệp và Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân; thôn Tân Đức và Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu; thôn Hiếu Lễ thuộc xã Phước Hậu. Các nghệ nhân dân gian Chăm đã tâm huyết chế tác, biểu diễn nhạc cụ và truyền dạy cho thanh-thiếu niên giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Chúng tôi có dịp đi cùng các nhà nghiên cứu của Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đến tìm hiểu hoạt động của CLB nhạc cụ Chăm thôn Hiếu Lễ. Các nhà nghiên cứu âm nhạc được các nghệ nhân trình diễn hòa tấu nhạc cụ truyền thống gồm trống ghi năng, trống baranưng, lục lạc, chiêng, kèn saranai và các điệu hát dân ca Chăm, biểu diễn dân vũ Chăm. Các tiết mục trình diễn có nội dung cầu cho mưa thuận nắng hòa, mùa màng tốt tươi; tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân dẫn thủy nhập điền, dạy dân làng cày cấy, dệt vải; ngợi ca tình yêu lứa đôi chung tay góp sức xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc…

Các thành viên Câu lạc bộ Nhạc cụ Chăm khu phố Bàu Trúc
biểu diễn nhạc cụ chào mừng du khách đến tham quan làng nghề.

Gặp lại nghệ nhân Vạn Sổ, Chủ nhiệm CLB Nhạc cụ Chăm thôn Hiếu Lễ, ông phấn khởi cho biết CLB được UBND xã Phước Hậu cho phép thành lập đi vào hoạt động từ đầu năm 2013. Từ 10 thành viên buổi đầu thành lập đến nay đã tăng lên 19 thành viên tích cực tham gia hoạt động truyền dạy biểu diễn nhạc cụ Chăm. CLB đã đào tạo được 12 học viên biểu diễn thành thạo trống ghi năng trở thành nhạc công chính thức trong các chương trình văn nghệ và các hoạt động lễ hội trong cộng đồng dân cư. Trong đó có các học viên biểu diễn trống ghi năng xuất sắc như: Vạn Duy Lanh, Đàng Tân, Quảng Bá Phí, Lương Thiện Chí được cộng đồng dân tộc Chăm địa phương tin yêu. Ngoài việc truyền dạy nhạc cụ, CLB cũng đã thành lập 2 đội múa truyền thống gồm 20 thành viên nữ thường xuyên luyện tập phục vụ các hoạt động văn hóa của địa phương, tham gia các hội thi văn nghệ, cung cấp tư liệu sinh động cho các nhà nghiên cứu về âm nhạc dân gian Chăm.

Đồng chí Phan Kim Lương, Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Ninh Phước, cho biết: CLB do các nghệ nhân tự nguyện thành lập được chính quyền địa phương cho phép là mô hình hoạt động âm nhạc dân gian hiệu quả. Các thành viên CLB tham gia gìn giữ và phát triển di sản âm nhạc cổ truyền trong cộng đồng, mô hình này đang được nhân rộng trong vùng đồng bào Chăm trên địa bàn huyện. Mục tiêu của huyện Ninh Phước phấn đấu thành lập CLB nhạc cụ truyền thống ở 20 thôn, khu phố có đồng bào Chăm sinh sống. Qua đó, góp phần bảo tồn văn hóa, đưa di sản âm nhạc Chăm vào hoạt động phục vụ du dịch, góp phần nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.