Việt Nam nhập siêu hơn 80 triệu USD trong hai tháng đầu năm, liệu có bất thường?

Việt Nam nhập siêu 84 triệu USD trong hai tháng đầu năm 2019. Xuất khẩu trong tháng 2 đã giảm mạnh do chỉ có 28 ngày, trong đó đã có 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Xuất khẩu giảm do nghỉ Tết dài ngày

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 2/2019 ước đạt 14,6 tỷ USD, giảm gần 34% so với tháng trước đó.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Qua theo dõi số liệu xuất nhập khẩu hằng năm thì không có gì bất ngờ về kết quả này, bởi nó đã trở thành quy luật với các tháng Tết. Đặc biệt là năm nay khi nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày và đều rơi vào tháng 2.

Chưa kể tâm lý nghỉ Tết Nguyên đán còn kéo dài thêm một số ngày sau Tết đã khiến nhiều doanh nghiệp không có đủ lao động, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu. Mặc dù công đoàn các địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ công nhân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ, nhưng tại một số khu công nghiệp vẫn không có đủ lao động làm việc sau Tết.

Trong tháng 2/2019, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 3,68 tỷ USD, giảm 47,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,92 tỷ USD, giảm 27,4% so với tháng 1/2019. Cả hai khối kinh tế này xuất khẩu đều giảm nên khiến cho con số xuất khẩu tháng 2 không mấy khả quan.

Hầu hết các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng đều giảm so với tháng 1; trong đó điện tử, máy tính và linh kiện giảm 23,9%; sắt thép giảm 45,8%; giày dép giảm 49,1%; dệt may giảm 51,4%; thủy sản giảm 52,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 59,2%.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể lạc quan hơn bởi so với cùng kỳ năm ngoái thì kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2019 vẫn tăng 1,6%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Về kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2019 ước đạt 15,5 tỷ USD. Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước đạt 36,76 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam ước tính nhập siêu 84 triệu USD trong hai tháng đầu năm.

Không quá lo con số nhập siêu

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, thông thường trong tháng trước Tết, các doanh nghiệp sẽ tăng cường sản xuất để đạt chỉ tiêu kinh doanh, công nhân cũng thi đua lao động để nhận thưởng Tết, do đó kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao. Tuy nhiên đến tháng Tết Nguyên đán hoặc sau Tết, xu hướng sẽ đảo chiều.

"Do đó, không nên quá lo lắng khi nhìn vào con số xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 2. Ngay nhập khẩu tháng 2/2019 đạt 15,5 tỷ USD cũng giảm 27% so với tháng trước", ông Ngô Trí Long nhận định.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bước sang tháng 3, hầu như tất cả các doanh nghiệp đều lao động, sản xuất bình thường. Do đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 chắc chắn sẽ tăng cao hơn tháng 2.

Tuy nhiên, nhập siêu vẫn có thể xảy ra bởi các doanh nghiệp đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng... để phục vụ cho sản xuất. Việc nhập khẩu này để đáp ứng nhu cầu sản xuất, sau đó lại xuất khẩu, nên không đáng lo ngại.

Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo cán cân thương mại có thể đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng 8 - 10% so với năm 2018. Trong khi đó, nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng lý giải: Năm nay, nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng cao do xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng ở những ngành hàng mà Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài.

Mặt khác, trong năm nay và các năm tiếp theo, với việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội. Vì vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng.

"Chúng ta đang hướng đến xuất khẩu bền vững, không chạy theo con số xuất khẩu mà đi vào chiều sâu, xuất khẩu những sản phẩm có hàm lượng tri thức, khoa học công nghệ cao. Để làm được điều này, trước mắt chúng ta phải nhập khẩu những máy móc, công nghệ hiện đại, chẳng hạn như robot, dây chuyền tự động không người điều khiển... phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng về lâu dài nó sẽ làm tăng giá trị xuất khẩu. Do vậy, theo tôi không nên cứ nghe thấy nhập siêu tăng là đã lo mà cần xem chúng ta nhập cái gì", chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 đạt 237,5 tỷ USD. Cả năm xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Theo TTXVN/Báo Tin tức