Tín hiệu vui trong khai thác hải sản những tháng đầu năm

(NTO) Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ sản tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh khai thác đạt 13.170 tấn hải sản, trong đó chỉ riêng tháng 2 đã đánh bắt được 10.700 tấn, đạt 11,6% kế hoạch năm nay và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Dù là tháng Tết, có gần nửa số tàu cá nghỉ hoạt động, chuẩn bị cho chuyến khai thác đầu xuân mới, song với kết quả khai thác trên cho thấy tín hiệu vui trong bước khởi đầu mùa vụ đánh bắt hải sản trong năm mới.

Nếu nhìn lại diễn biến thời tiết vừa qua, có thể thấy chiều hướng thuận lợi rõ dần. Trong tháng 1, cơn bão số 1 và gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7 làm biển động mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Tuy cá nổi ít xuất hiện, nhưng trên ngư trường vẫn có khoảng 60% tàu cá hoạt động, riêng các xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) có khoảng 100 tàu thuyền hành nghề pha xúc tại vùng biển đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang). Sang tháng 2, tình hình thời tiết cũng chưa thuận lợi lắm, nhưng ngư trường từ Bình Thuận đến Cà Mau đã có cá nổi xuất hiện. Có khoảng 55% tàu cá tỉnh ta hoạt động khai thác, trong đó đạt hiệu quả là các nghề pha xúc, vây rút chì, lưới rê nylon, lưới kéo. Đặc biệt vào những ngày trước và sau tết, ngư dân khai thác đạt sản lượng cao nhất (chủ yếu là cá cơm). Cụ thể sản lượng các ngày 2, 3-2 đạt khoảng 1.000 tấn; sản lượng từ ngày 7 đến 9-2 đạt khoảng 3.500 tấn. Nhiều tàu cá ở Cà Ná, Phước Diêm đạt sản lượng khai thác cao, đơn cử như các tàu cá của các ông Trần Hùng (4 chiếc), Phạm Thiện, Đinh Văn Hát, Huỳnh Xuân Trường, Phan Văn Phụng, Phạm Hữu, Lê Văn Sang,…

 

Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) đầu tư thuyền công suất lớn khai thác hải sản đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ

Những ngày đầu tháng 3, đến các bến cá, cảng cá trong tỉnh, chúng tôi ghi nhận được cảnh thu mua cá nhộn nhịp. Theo anh Nguyễn Quách Trường Thanh, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh, phần lớn sản phẩm thu được chủ yếu tiêu thụ tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh. Hải sản khai thác bao gồm: Cá cơm, cá nục các loại, cá lồ ồ, cá chù, cá ngừ sọc dưa, cá cờ, mực ống, mực nang các loại và một số loài hải sản có giá trị khác; trong đó chiếm 70% là cá cơm. Giá bán các loại cá tương đối ổn định, đơn cử cá cơm có giá 15.000-20.000 đồng/kg, cá chù tùy loại và cá ngừ sọc dưa bán 45.000-55.000 đồng/kg, cá cờ 44.000-60.000 đồng/kg…Riêng cá cơm, cá nục được các chủ tàu cá bán ngay trên biển cho các tàu dịch vụ thủy sản, trong đó cá cơm bán chủ yếu ngoài tỉnh, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Sóc Trăng và Kiên Giang. Ngoài các loại hải sản trên, ngư dân phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) còn khai thác được 2.120 tôm hùm con, với giá 140.000 đồng - 250.000 đồng/con tôm hùm giống, đã đem lại thu nhập đáng kể cho ngư dân.

Thu mua cá ngừ ở Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Sở dĩ sản lượng khai thác hải sản 2 tháng đầu năm đạt cao, ngoài yếu tố ngư trường thuận lợi, còn có sự tác động từ việc phát triển tàu công suất lớn và mua sắm trang thiết bị hiện đại của ngư dân”. Sau khi giảm các tàu cá dưới 20 CV, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.445 tàu cá với tổng công suất 434.066 CV, riêng số lượng tàu cá công suất trên 90 CV có 1.119 chiếc, tăng 201 chiếc so với năm 2014, trong đó có 407 chiếc trên 400 CV, chiếm 35% trong số tàu cá trên 90 CV. Cùng với việc tăng năng lực tàu cá, yếu tố chuyển dịch cơ cấu tàu cá đánh bắt xa bờ cũng đang có sự chuyển biến dù còn chậm. Nếu năm 2015, nghề cá tỉnh ta chỉ có 66 chiếc tàu khai thác xa, thì cuối năm 2018 đã tăng lên 507 chiếc (trong đó có 469 tàu khai thác, 38 tàu dịch vụ), tốc độ tăng trưởng tính từ năm 2014 đến 2018 tương ứng 101% và xu hướng đó đang tiếp tục tăng lên qua đăng ký của ngư dân. Một nhân tố mới đang góp phần tác động nghề cá phát triển là việc thành lập mới tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Nếu năm 2017 tỉnh ta có 145 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản (với 885 tàu cá tham gia), đến nay đã có 170 tổ, với 1.018 tàu cá tham gia, trong đó huyện Ninh Hải có 34 tổ/231 tàu, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 27 tổ/204 tàu, huyện Thuận Nam có 109 tổ/583 tàu. Đáng chú ý là số tàu cá khai thác tại vùng biển khơi tham gia vào các tổ đoàn kết khai thác chiếm gần 90%.

Nhìn chung qua hoạt động hợp tác khai thác, các tàu cá đã tổ chức đánh bắt hiệu quả ở các vùng biển xa, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu tàu và nghề cá. Phấn khởi với kết quả sản lượng khai thác hải sản đạt được trong những tháng đầu năm, triển khai thực hiện nhiệm vụ tháng 3, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước về công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản; tổ chức thông báo về ngư trường tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt, hướng đến mục tiêu khai thác đạt sản lượng 113.305 tấn hải sản các loại trong năm 2019.