Phát huy vai trò nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp

(NTO) Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về giám sát phản biện xã hội và tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân, MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã đề nghị, kiến nghị cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều nội dung thiết thực.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Đồng chí đồng chí Phan Hữu Đức, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Hơn 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì tổ chức 17 cuộc giám sát, khảo sát, trong đó có 7 cuộc về lĩnh vực chấp hành pháp luật, 8 cuộc về lĩnh vực kinh tế (KT-XH) và 2 cuộc về lĩnh vực khác có liên quan đến lợi ích hợp pháp, chính sách của người lao động, hội viên, đoàn viên. Nổi bật là tổ chức các đợt giám sát đột xuất qua ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về những vấn đề bức xúc; đơn cử như giám sát tình hình thực hiện khu tái định canh, định cư thôn Lập Lá, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), giám sát tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bác Ái...Riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 huyện, thành phố đã chủ trì tổ chức được 41 cuộc giám sát, ngoài ra đã phối hợp tham gia cùng HĐND, các ngành liên quan và các đoàn thể chính trị-xã hội chủ trì tổ chức giám sát 258 cuộc về tình hình phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường… Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn giám sát được 367 cuộc về việc thực hiện thu gom rác thải, chương trình giảm nghèo bền vững, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc...

Về phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận và nhân dân trong hoạt động tham gia góp ý kiến vào 105 dự thảo luật (sửa đổi, bổ sung), các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì tổ chức 2 Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố tổ chức được 17 hội nghị phản biện xã hội về các dự thảo luật, kế hoạch, đề án…; ngoài ra còn tham gia góp ý 187 văn bản dự thảo về Kế hoạch sử dụng đất hằng năm trên địa bàn cấp huyện; các dự thảo nghị quyết về KT-XH, quốc phòng-an ninh. Sau Hội nghị phản biện xã hội, góp ý vào các văn bản dự thảo, các cơ quan tham mưu soạn thảo dự thảo nghị quyết, kế hoạch, đề án… đã tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến phản biện, góp ý của Mặt trận và các đoàn thể. Việc phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả giúp cho HĐND và UBND cùng cấp có thêm căn cứ để thảo luận và thông qua nghị quyết bảo đảm cho phù hợp với thực tế và nguyện vọng của nhân dân.

Nhìn chung qua giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng ở địa phương trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện. Qua góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đã góp phần tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là ở cơ sở. Đồng thời góp phần bảo đảm và tăng cường an ninh trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước.

Đồng chí Phan Hữu Đức, cho biết thêm: Từ kinh nghiệm 5 năm qua, trong thời gian tới Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề ra nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW. Theo đó tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quyết định trên trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, các tổ chức thành viên Mặt trận; tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Vận động nhân dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Quan tâm giám sát các dự án, công tác thu hồi, bồi thường, giải tỏa tái định cư nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân.