Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận:

Chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết và sởi

(NTO) Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH) và sởi, trong Chuyên mục Dân hỏi lãnh đạo sở, ngành trả lời kỳ này, nhiều bạn đọc, người dân hỏi về diễn biến và cách phòng, chống dịch bệnh. Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trả lời các nội dung này.

* Người dân hỏi: Tình hình dịch bệnh SXH và sởi trên địa bàn tỉnh ta hiện nay như thế nào?

- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 405 ca SXH. Bệnh tập trung ở các địa phương: Tp.Phan Rang- Tháp Chàm 147 ca, Ninh Phước 142 ca, Ninh Hải 44 ca. Điều đáng chú ý là trong khoảng thời gian gần đây số lượng ca bệnh tăng lên, nếu không tích cực làm tốt công tác phòng chống, có thể lây lan trên diện rộng. Riêng đối với bệnh sởi, mặc dù số ca cả mắc bệnh cả nước tăng, tuy nhiên trong 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ có 7 trường hợp sốt nghi sởi, trong đó có 2 ca dương tính.

* Người dân hỏi: Vậy ngành Y tế có biện pháp và khuyến cáo gì với người dân để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch?

- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Nhìn chung tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên, công tác dự phòng vẫn được đặt lên hàng đầu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo cho hệ thống y tế dự phòng các tuyến giám sát chặt chẽ tình hình dịch tể, phát hiện kịp thời các ca bệnh trên cơ sở đó tiến hành các giải pháp chống dịch như: điều trị cách ly người bệnh, phun hóa chất tại những nơi có bệnh SXH lưu hành… Ngoài ra, Trung tâm cũng chỉ đạo các địa phương thường xuyên điều tra chỉ số côn trùng, lăng quăng. Những địa phương có chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng cao sẽ được phun hóa chất chủ động phòng ngừa dịch bệnh SXH... Người dân lưu ý, SXH do virút dengue gây ra, lây truyền qua muỗi, đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc đặc trị. Để phòng ngừa, cần diệt muỗi, lăng quăng và phòng, chống muỗi đốt bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; phát quang bụi rậm xung quanh khu vực sinh sống; đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh như lốp xe, chai lọ… không để nước đọng để muỗi vào đẻ trứng.

Riêng đối với bệnh sởi, đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các hạt dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ nhỏ, từ 2-6 tuổi. Tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ngoài ra, cần thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng; dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; người lớn trước khi chăm sóc, tiếp xúc với trẻ cũng cần rửa tay bằng xà phòng và thay áo quần sạch sẽ; cho trẻ ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước để nâng cao sức đề kháng. Trong trường hợp phát hiện các triệu chứng của bệnh: sốt nhẹ đến sốt cao dần, sốt liên tục, nhức đầu, đau toàn thân, mệt mỏi, li bì, biếng ăn... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả, tránh để lại biến chứng.

Ngành Y tế đã sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc men và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm, chủ động của mỗi người dân và đồng thời sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể... cùng chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao ý thức, kiến thức thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình, không để bệnh lây lan ra cộng đồng, phát triển thành dịch.