Hội Đông y huyện Thuận Bắc: Phát triển y, dược cổ truyền trong khám, chữa bệnh cho nhân dân

Những năm qua, Hội Đông y huyện Thuận Bắc luôn cố gắng tuyên truyền phổ biến tác dụng của cây thuốc nam sâu rộng trên địa bàn nên được nhân dân tin tưởng và tìm đến. Nhiều thầy thuốc, lương y có tay nghề vững vàng, chữa bệnh đạt hiệu quả cao.

Hội Đông y huyện Thuận Bắc có 158 hội viên, trong đó có 1 bác sĩ, 10 y sĩ y học cổ truyền (YHCT), 68 lương y gia truyền, 75 hội viên liên kết…; các hội viên đều tích cực tham gia công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân địa phương. Trong thời gian qua, đã có nhiều mô hình khám, chữa bệnh được Hội Đông y huyện xây dựng như: Hệ thống khám chữa bệnh YHCT, vườn thuốc nam lồng ghép vào trạm y tế 6 xã; Chi hội Khoa y, dược cổ truyền của Trung tâm Y tế huyện có đầy đủ trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh theo y học cổ truyền. Ngoài ra, Hội xây dựng 9 tổ chẩn trị y dược cổ truyền tại các tổ chức, nhà lương y trên địa bàn huyện. Nhìn chung, các tổ chức đều hoạt động hiệu quả, phát huy, kế thừa phát triển y, dược cổ truyền trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Hội Đông y huyện Thuận Bắc xây dựng nhiều vườn cây thuốc nam tại trường học, trạm y tế. Ảnh: M.Khai

Hằng năm, Hội Đông y huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi, vận động cán bộ, hội viên rèn luyện chuyên môn, y đức, y thuật, cùng phối hợp với ngành Y tế huyện làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trong nhiệm kỳ qua, các tổ chẩn trị, lương y đã khám chữa bệnh cho 81.490 lượt người, châm cứu cho 35.4242 lượt người; khám chữa bệnh miễn phí cho 20.276 lượt người. Chất lượng điều trị bằng YHCT của các cơ sở ngày càng được nâng lên, một số bệnh mãn tính về cơ, khớp, cao huyết áp, suy nhược, di chứng tai biến mạch máu não…được chữa trị và đạt kết quả tốt. Để giám sát hoạt động của các cơ sở y tế YHCT, Hội phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi; đồng thời phối hợp với ngành Y tế, hằng năm thành lập đoàn đến kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, Hội Đông y huyện cũng chú trọng việc nuôi trồng dược liệu, nghiên cứu khoa học; đã thực hiện khảo sát dược liệu trên địa bàn, tham mưu cho Hội cấp trên thành lập bản đồ gen về cây thuốc, đồng thời duy trì vườn thuốc nam trong 6 Trạm y tế. Hội đã phát động trong hội viên tăng cường nuôi trồng các cây dược liệu, hình thành vườn thuốc nam cây cảnh với 30-40 loại trong các trường học; vườn trồng cây xáo tam phân của ông Nguyễn Thiệu ở Ba Tháp (Bắc Phong); vận động khoảng 500 hộ dân tham gia trồng các loại cây làm thuốc, cây ăn quả với diện tích khoảng 10.000m2. Qua đó, nhiều hộ dân đã biết sử dụng những cây thuốc sẵn có và trồng theo mô hình cây rau ăn- cây cảnh- cây ăn quả làm thuốc để vừa tự chữa bệnh cấp thiết như rắn cắn, đau đầu, vừa có thu nhập kinh tế.

Ông Lê Bình, Chủ tịch Hội Đông y huyện, chia sẻ: Trong 5 năm qua, Hội đã đúc kết 60 bài thuốc hay tại các hội nghị, hội thảo, biên soạn thành tài liệu, phổ biến trong hội viên ứng dụng vào chữa trị tại địa phương. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phát huy, kế thừa những bài thuốc hay, thường gặp để chữa trị tốt hơn cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nuôi trồng các dược liệu, phát triển vườn thuốc nam tại các cơ sở y tế và hộ dân.