Bước đột phá từ mô hình cánh đồng lớn san bờ liền thửa

Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng ngành Nông nghiệp đã thành công trong việc san bờ liền thửa để triển khai mô hình cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất lúa tại thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) ở vụ đông - xuân này. Đây được coi là bước đột phá mới trong thực hiện cơ cấu lại nội ngành lúa gạo.

Mô hình CĐL sản xuất lúa bắt đầu triển khai ở vụ hè - thu năm 2017 được đánh giá có hiệu quả, nhưng vẫn tồn tại hạn chế là đồng ruộng bị ngăn cách bởi các bờ thửa ruộng. Tâm lý sợ mất quyền sở hữu tư liệu sản xuất (đất đai) của nông dân là lý do chính để công tác “dồn điền” mặc dù được các địa phương lên kế hoạch từ lâu, nhưng luôn bị trì hoãn thực hiện. Khó khăn này cản trở việc chuyển giao khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, khiến cho mục tiêu của đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng mặt hàng lúa gạo vẫn chưa đạt được như mong đợi.

Mô hình cánh đồng san bờ liền thửa sản xuất luá triển khai trong vụ
đông-xuân 2018 -2019 ở xã Phước Hậu. Ảnh: A.Tùng

Người xưa từng nói “vạn sự khởi đầu nan” và việc triển khai chương trình san bờ liền thửa để tổ chức sản xuất theo quy mô tập trung có sự liên kết với doanh nghiệp cũng không ngoại lệ. Còn nhớ cách đây 10 năm, huyện Ninh Phước thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng” cũng gặp không ít khó khăn do nông dân còn ảnh hưởng tập quán sản xuất lạc hậu. Nhưng nhờ có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc vận động nông dân thay đổi tư duy cũ, mọi nút thắt khó khăn cuối cùng cũng được tháo gỡ. Tuân thủ phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Ninh Phước không những thành công trong áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” vào sản xuất lúa, mà còn nâng lên tầm cao hơn với mô hình “1 phải, 5 giảm” và hiện nay là san bờ liền thửa để xây dựng CĐL.

Mô hình CĐL san bờ liền thửa lần đầu triển khai trong vụ đông - xuân 2019 ở huyện Ninh Phước có nhiều ưu điểm về mở rộng diện tích tăng thêm (nhờ không có bờ), tạo thuận lợi đưa cơ giới vào đồng ruộng hơn so với các CĐL triển khai trước đây. Mô hình sử dụng công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng tia laser tiết kiệm chi phí nước tưới (nhờ đồng ruộng bằng phẳng, không đọng nước), kiểm soát được cỏ dại, giảm lượng giống, hạn chế sâu bệnh. Đáng nói hơn, với việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình thu hút doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu vụ. Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam cung cấp giống lúa Thiên Hương 8 cho bà con nông dân sản xuất với cam kết đảm bảo năng suất, chất lượng vượt trội, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đầu xuân Kỷ Hợi - 2019, đến thăm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ (Phước Hậu), đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng quản trị trong việc tuyên truyền, vận động nông dân đồng thuận tham gia thực hiện mô hình CĐL san bờ liền thửa. Thành công này, tạo thêm niềm tin, kỳ vọng để ngành Nông nghiệp, các địa phương, toàn thể nông dân trong tỉnh thực hiện có hiệu quả chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.