Chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi

(NTO) Hiện nay các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm, lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra ở một số tỉnh. Mặc dù, trên địa bàn tỉnh ta chưa xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, tuy nhiên sau khi phát hiện số heo mang bệnh LMLM được vận chuyển từ tỉnh Lâm Đồng xuống giết mổ tại địa bàn tỉnh ta, cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất cao, do việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh chưa qua kiểm dịch còn diễn biến phức tạp.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tập trung các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đồng thời giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác chủ động giám sát bệnh động vật; phối hợp chặt chẽ các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau khi phát hiện, tiến hành xử lý đối với số heo mang bệnh LMLM được vận chuyển từ tỉnh Lâm Đồng xuống cơ sở giết mổ Đức Hòa (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành cách ly, tiêu hủy; đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường việc bố trí lực lượng lập chốt kiểm dịch tạm thời trên Quốc lộ 27 và xây dựng, triển khai hoạt động của tổ kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc gia cầm từ Lâm Đồng hoặc các tỉnh về Ninh Thuận.

Phòng dịch tốt, giúp người nuôi heo ổn định sản xuất.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong năm qua dịch bệnh trên động vật tại địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như LMLM, cúm gia cầm, tai xanh heo không xảy ra. Các bệnh truyền nhiễm khác như: Tụ huyết trùng trên trâu, bò, heo, dê, cừu; phó thương hàn heo, viêm ruột hoại tử trên dê, cừu xảy ra rải rác ở một số địa phương, nhưng đã được phát hiện và khống chế kịp thời. Mặc dù vậy, qua kết quả chủ động giám sát cho thấy tỷ lệ lưu hành virus cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm và tỷ lệ trâu, bò mang trùng virus LMLM còn tương đối cao trong phạm vi toàn tỉnh; các loại mầm bệnh có thể phát triển và gây ra các ổ dịch. Trong khi tỷ lệ tiêm phòng các bệnh còn khá thấp, chưa đủ mức độ bảo hộ cho vật nuôi an toàn với dịch bệnh; việc thực hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại các địa phương chưa thường xuyên; hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật khó kiểm soát, đặc biệt là động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kết hợp sự biến đổi bất lợi của thời tiết đã tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Do vậy nguy cơ phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm trên động vật trong thời gian tới là rất cao.

Nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh động vật phát triển và lây lan, bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh để phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2019. Theo đó, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y, đảm bảo sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững; có phương án để xử lý khi phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm, ứng phó kịp thời, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm các bệnh mới xuất hiện; hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đôn đốc, hướng dẫn Trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật như: Tăng cường theo dõi, giám sát và khai báo dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng định kỳ đàn gia súc, gia cầm; thực hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; tăng cường hoạt động kiểm soát giết mổ tại địa bàn quản lý; tuyên truyền vận động người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường, thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động của chốt kiểm dịch tạm thời tại huyện Ninh Sơn và tăng cường hoạt động của tổ kiểm dịch liên ngành. Mặt khác, chú trọng công tác phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định về chăn nuôi thú y; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; duy trì đường dây tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh động vật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác phòng ngừa.