DẤU ẤN THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO NINH THUẬN

Bài 2: Từ sự quan tâm đầu tư thành dự án thực tế

(NTO) Sau nhiều nỗ lực, đến nay có thể nói công tác thu hút đầu tư của tỉnh ta đã tạo nên luồng sinh khí mới, làn sóng đầu tư mới. Nhờ đó, đã thu hút được các tập đoàn, tổng công ty lớn có thương hiệu, có năng lực, uy tín trong và ngoài nước như: Vingroup, FLC, Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn T&T, CMX (Canada), Adani (Ấn Độ), Blue Circle và Sinergy (Singapore)..., đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, du lịch, kinh doanh bất động sản...

Với những cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng và tinh thần thân thiện, cởi mở, trách nhiệm, giàu khát vọng vươn lên, Ninh Thuận đã chứng minh được khả năng của mình. Chỉ tính riêng trong năm 2018, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh đạt 8.000 tỷ đồng và lần đầu tiên nằm trong tốp 10 tỉnh có thu hút đầu tư FDI cao nhất cả nước. Không chỉ vậy, trong năm qua, tỉnh còn cấp quyết định và chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 89 dự án là sự bứt phá ngoạn mục đưa thu hút nguồn vốn đăng ký đầu tư lên đến gần 75.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017 (trong đó, quyết định chủ trương đầu tư 62 dự án với tổng vốn đăng ký trên 44 ngàn tỷ đồng; chấp thuận chủ trương 27 dự án với tổng vốn 30.500 tỷ đồng). Riêng lĩnh vực năng lượng, đến nay có 29 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch, với tổng công suất 1.938,8 MW, trong đó có gần 20 dự án điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 18 dự án điện mặt trời đã khởi công trong năm 2018 với tổng công suất 1.167 MW.

Ông Lại Như Ý, Giám đốc Công ty Điện gió Chiến Thắng cho biết: Công ty chúng tôi đang đầu tư Dự án điện gió có công suất 50 MW (tương đương 16 trụ gió) nằm trên địa bàn 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam. Khi đến Ninh Thuận chúng tôi thật sự hài lòng và bị thuyết phục bởi đây không chỉ là vùng đất đầy tiềm năng mà các chính sách thu hút đầu tư cũng được tỉnh hết sức quan tâm; đặc biệt, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. Nhờ đó, chỉ sau hơn 1 năm triển khai, dự án của chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục đủ điều kiện để tháng 3-2019 tới sẽ khởi công và cam kết thực hiện đảm bảo tiến độ, đến quý I-2020 sẽ phát điện.

Trên tinh thần “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, coi thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh, thời gian qua các sở, ngành và chính quyền các địa phương đã nỗ lực vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và đến nay đã có gần 2.000 ha đất đã được giao cho nhà đầu tư phục vụ triển khai dự án. Nhiều nhà đầu tư sau khi được bàn giao đất đã thể hiện rõ năng lực, quyết tâm biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn, sỏi đá thành những dự án phát triển năng lượng tái tạo mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới; đồng thời, đặt quyết tâm sẽ hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia trong năm 2019.

Nhờ đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, đến nay tỷ lệ lấp đầy của Khu Công nghiệp Thành Hải
(Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) đã đạt 98,8%. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp sau khi đi vào hoạt động
đóng góp nguồn thu ngân sách của tỉnh rất lớn. Trong ảnh: Khu Công nghiệp Thành Hải. Ảnh: V.T

Ông Nguyễn Đức Phấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng Bim cho biết: Với tổng diện tích 247 ha và tổng công suất 250MW Nhà máy điện mặt trời BIM là một trong những nhà máy lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi cam kết tiến độ chậm nhất đến tháng 6-2019 dự án sẽ hoàn thành để hòa vào lưới điện quốc gia. Không chỉ có Dự án Nhà máy điện mặt trời BIM, một số dự án khác như: Nhà máy điện gió Trung Nam phấn đấu trước tháng 6-2019 sẽ hòa lưới điện quốc gia 204MW; Nhà máy điện mặt trời Bàu Ngứ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để trong quý I-2019 sẽ hoàn thành hòa vào lưới điện trên 10MW và đến 30-4-2019 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác lắp đặt các thiết bị, phấn đấu trong tháng 6-2019 hoàn tất toàn bộ dự án thực hiện phát điện thương mại.

Sự đột phá trong thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tạo ra làn sóng đầu tư mới mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó có hàng ngàn nông dân địa phương đã trở thành công nhân của các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Nhiều sinh viên sau khi rời giảng đường Đại học cũng đã trở về quê hương để tìm cơ hội lập thân, lập nghiệp. Chị Ngân Mỹ Hương ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) chia sẻ: Thế hệ trẻ chúng tôi đánh giá cao cơ hội việc làm tại Ninh Thuận, bởi hiện nay có rất nhiều dự án điện gió, điện mặt trời và nhiều dự án lớn về du lịch đang được đầu tư. Nếu có một công việc tốt mang lại thu nhập ổn định chúng tôi tin rằng mọi người sẽ trở về đóng góp công sức cho quê hương.

Với những cơ chế mới tạo ra và được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ thông qua cơ chế chính sách đặc thù, nhất là sau khi Chính phủ cho phép Ninh Thuận lập Đề án kiến nghị bổ sung các khu du lịch: Bình Tiên - Vĩnh Hy, Cà Ná -  Mũi Dinh thuộc quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, những vị trí tiềm năng về du lịch được mở ra bởi tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná đã nhanh chóng được các tập đoàn kinh tế lớn tập trung đầu tư. Bà Huỳnh Thị Bích Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hoàn Mỹ nhìn nhận: “Nắng – gió” vốn được xem là cái khó của Ninh Thuận, nhưng giờ đây “nắng – gió” đã giúp vùng đất này có sức hút đối với các nhà đầu tư. Riêng công ty chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch Hoàn Mỹ có quy mô 3 ha, dự kiến có 154 phòng đạt tiêu chuẩn cấp 4 sao cộng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.

Việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh kết hợp với kêu gọi đầu tư đang ngày được tỉnh ta thúc đẩy mang tính chiều sâu và thực chất. Trong những ngày đầu năm mới 2019, nhân dân trong tỉnh lại liên tiếp đón những tin vui mới: 40 tuabin gió và 1 nhà máy điện mặt trời (Nhà máy điện năng lượng mặt trời BP Solar 1 Phước Hữu, Ninh Phước) đã hoàn thành hòa lưới điện quốc gia; đặc biệt thu ngân sách trong tháng 1-2019 đã đạt trên 500 tỷ đồng. Theo tính toán của các nhà kinh tế, bình quân mỗi trụ điện gió sau khi hoàn thành đi vào hoạt động ổn định sẽ đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh khoảng 1 tỷ đồng/năm và 1 ha điện mặt trời đóng góp khoảng 900 triệu đồng/năm, nếu toàn bộ các dự án trên địa bàn hoàn thành, mỗi năm tỉnh ta sẽ có nguồn thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng từ các dự án năng lượng.

----------

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)

Bài cuối: Tạo đột phá để tăng trưởng nhanh