Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Phát biểu tại phiên cấp cao khóa họp lần thứ 16 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, chiều 28-2 tại Geneva, Thụy Sĩ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013-2016.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva về mục đích của việc ứng cử này, ông Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân đều được hưởng các quyền con người. Vì vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, việc làm, tạo cơ sở vững chắc cho việc thụ hưởng các quyền con người ở Việt Nam.

Những thành tựu này đã được Việt Nam nêu lên trong báo cáo kiểm điểm định kỳ tại Hội đồng Nhân quyền năm 2009. Cũng tại kỳ kiểm điểm này, nhiều nước đã đưa ra kiến nghị muốn chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, họ đánh giá đây là điểm mạnh của Việt Nam.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là phấn đấu cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân các nước. Chính vì vậy, Việt Nam cần tham gia làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền để cùng các nước thực hiện quyền con người, cùng chia sẻ những kinh nghiệm thành công của Việt Nam. Đây cũng chính là thực hiện chính sách đối ngoại tích cực, chủ động hội nhập quốc tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 đề ra.

Đánh giá vai trò của Hội đồng Nhân quyền thời gian qua, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng từ khi được thành lập vào năm 2006, Hội đồng Nhân quyền bước đầu đã đáp ứng được mong mỏi của các nước khi thành lập tổ chức này. Có thể nói trong 5 năm qua, Hội đồng Nhân quyền đã thúc đẩy theo hướng đó.

Ông Phạm Bình Minh cho biết thêm Hội đồng Nhân quyền ra đời thay thế cho Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Một trong những thiếu sót của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc là chính trị hóa các vấn đề quyền con người.

Hội đồng Nhân quyền được thành lập với mong muốn không chính trị hóa những vấn đề nhân quyền, trên cơ sở để các nước thông qua Hội đồng Nhân quyền cùng nhau thúc đẩy và bảo đảm quyền của người dân được thụ hưởng các quyền con người.

Trong 5 năm qua, Hội đồng Nhân quyền đã đáp ứng được mong mỏi của các nước, đó là thúc đẩy và đảm bảo thực hiện quyền con người trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị.

Hội đồng Nhân quyền cũng là diễn đàn để các nước cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Một trong những cơ chế mà Hội đồng Nhân quyền đưa ra đó là kiểm điểm định kỳ của tất cả các nước thành viên. Họ đều có trách nhiệm kiểm điểm việc thực hiện quyền con người tại nước mình. Đây cũng là thực hiện sự bình đẳng giữa tất cả các quốc gia.

Theo ông Phạm Bình Minh, Hội đồng Nhân quyền cũng đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước. Các quốc gia đều mong muốn các cơ chế của Liên hợp quốc là cơ chế tạo ra sự hợp tác giữa các nước trên những lĩnh vực cùng quan tâm.

Nguồn trang tin điện tử Quốc hội Việt Nam