Cô giáo Võ Thị Thanh Đăng - yêu trẻ, mến lớp

(NTO) Cô giáo Võ Thị Thanh Đăng (ảnh), được các giáo viên trong Trường Mẫu giáo Lợi Hải (Thuận Bắc) ví như người “mẹ hiền” bởi sự tận tụy, tấm lòng yêu thương trẻ của cô khiến các bậc phụ huynh và các em nhỏ luôn yêu mến, tin yêu.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, cô giáo Thanh Đăng về Trường Mẫu giáo Lợi Hải công tác. Bằng sự nhiệt huyết, năng nổ của tuổi trẻ, những khó khăn tại trường khi mới bắt đầu công việc không làm chùn bước của cô và đồng nghiệp. Chắc hẳn ai cũng hiểu công việc của một giáo viên mần non rất vất vả vì các bé trong độ 4-5 tuổi chưa nhận thức được hành động của bé từ ăn ngủ, vui chơi đều phải có sự giúp đỡ của người lớn. Thế nên, đối với giáo viên giảng dạy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số càng khó khăn hơn nhiều lần. Các bé người Raglai nói tiếng mẹ đẻ còn bập bẹ, rụt rè, nhút nhát, ngại giao tiếp, không muốn xa ba mẹ, khóc nhiều…Cô Thanh Đăng, chia sẻ: Nếu nói về khó khăn sẽ là không hết, tôi và đồng nghiệp phải luôn cố gắng, dạy dỗ các em bằng tấm lòng, tình yêu thương, xem các em như con cháu trong gia đình.

Có lẽ, vất vả nhất của các cô giáo ở đây là công tác vận động học sinh ra lớp. Đầu năm học, cô giáo Đăng và đồng nghiệp phải “đến từng nhà, gõ từng cửa”, vận động, giải thích cho cha mẹ đưa con em đến trường đầy đủ. Động viên trẻ đến trường đã khó, nhưng “níu chân” các bé thường xuyên đến lớp càng khó hơn. Để giúp trẻ dân tộc thiểu số hứng thú với việc đến trường, cô giáo Đăng đã thực hiện đề tài “Giúp trẻ em dân tộc thiểu số thích nghi với trường lớp mầm non”. Đề tài của cô được đánh giá cao, khi áp dụng thực tiễn mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhằm tạo sự thân thiện, thoải mái cho trẻ, cô thường xuyên trò chuyện với bậc phụ huynh, với trẻ để nắm tâm tư, suy nghĩ của trẻ. Trong giờ học, cô thường tổ chức cho các cháu múa hát, tập đếm, trò chơi, cùng giáo viên làm những đồ dùng học tập, trang trí lớp học để tăng tính đoàn kết, sáng tạo, từ đó giúp trẻ dễ dàng hòa nhập và không bị cô lập. Song song đó, cô luôn bố trí những trẻ hiếu động ngồi gần với bé nhút nhát, ít tham gia hoạt động để có sự hỗ trợ cho nhau trong quá trình học tập.

Với mong muốn có thể giao tiếp với các bé, cô giáo Đăng đã chủ động học một số câu đơn giản thông dụng, phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Raglai để hiểu trẻ nói gì, muốn gì, từ đó có cách quản lý, chăm sóc tốt hơn. Cô Phạm Thị Phước Duyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cô Khánh Đăng là một giáo viên dạy giỏi của trường, được các trẻ và bậc phụ huynh yêu mến. Trong công tác vận động học sinh ra lớp, cô giáo Đăng là gương điển hình. Cô không ngại xa, ngại khổ thường đến nhà, thậm chí đến rẫy, mang theo bánh kẹo để “dụ dỗ” các em đến trường. Những năm học qua, lớp do cô Đăng phụ trách luôn duy trì sĩ số 100%. Bên cạnh đó, cô giáo Đăng rất khéo tay, nhiệt tình, tích cực trong các phong trào thi đua, hoạt động của nhà trường”.

Vừa qua, sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo về “Giúp trẻ dân tộc thích nghi với trường lớp mầm non” được công nhận. Với những nỗ lực nêu trên, nhiều năm liền cô giáo Đăng luôn đạt danh hiệu Lao động Tiên tiến, Chiến sĩ Thi đua cơ sở.