Vấn đề Biển Đông đặt liên minh Philippines - Mỹ vào thế khó

Theo trang mạng scmp.com, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố “chia tay Mỹ” trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến Trung Quốc. Hai năm sau đó, Philippines đã chính thức kêu gọi đánh giá lại mối quan hệ đồng minh lâu đời với Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana- cựu tùy viên quốc phòng tại Washington- đã nhấn mạnh rằng Manila không loại trừ khả năng hủy bỏ Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951. Trong khi việc đánh giá này có thể giúp điều chỉnh quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines, vốn bị trục trặc bởi những bất đồng và những vấn đề về cam kết trong những năm gần đây, nhưng nó chẳng khác nào là “con dao hai lưỡi”.

Rút cục, những người đề xuất mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh có thể vận động hành lang để hạ thấp quan hệ liên minh Philippines-Mỹ nhằm ủng hộ sự trung lập về chiến lược, đặc biệt nếu hai bên không nhất trí các nâng cấp cần thiết.

Lời kêu gọi đánh giá lại mối quan hệ Mỹ-Philippines đã gây sốc và hoài nghi cho nhiều nhà quan sát, họ kỳ vọng một sự cởi mở tức thì và duy trì quan hệ song phương sau khi Washington trả lại Bộ chuông Balangiga nổi tiếng cho Philippines. Ông Duterte đã hoan nghênh việc trả lại các vật phẩm lịch sử, vốn bị quân đội Mỹ lấy đi từ một nhà thờ Philippines trong thời kỳ thuộc địa và coi đó là kết thúc một chương đen tối trong lịch sử chung của hai nước. Thậm chí, người ta hi vọng rằng ông Duterte, người đã có 3 chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc, cuối cùng sẽ nhận lời mời thăm Mỹ từ lâu của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ngay cả việc thiết lập phòng thủ chung, vốn là nền tảng trong quan hệ đồng minh song phương, Philippines dường như cũng đang thể hiện sự thất vọng ngày càng lớn trước sự mâu thuẫn chiến lược của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã công khai than vãn về lập trường “mâu thuẫn” của Washington trong việc thực hiện các cam kết với Philippines, đặc biệt trong tranh chấp ở Biển Hoa Nam (Biển Đông). Ông đặt câu hỏi liệu Hiệp ước phòng thủ chung có “còn liên quan đến an ninh của Philippines” hay chỉ phục vụ “lợi ích của các quốc gia khác”, cụ thể là Mỹ.

Vấn đề đầu tiên với liên minh chính là văn bản của hiệp ước. Theo Chương V của Hiệp ước phòng thủ chung, “một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một trong hai bên được coi bao gồm một cuộc tấn công vũ trang vào lãnh thổ đô thị của một trong hai bên, hoặc các vùng đảo thuộc thẩm quyền của mình ở Thái Bình Dương hoặc vào các lực lượng vũ trang, tàu hay máy bay của mình ở Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, Washington đã nói lập lờ, chưa xác định rõ về phần “đô thị” và “các vùng lãnh đảo dưới thẩm quyền của mình” của Philippines là gì. Do đó, đồng minh của Mỹ chỉ biết đứng nhìn khi Trung Quốc năm 1994 chiếm đóng Đá Vành Khăn mà Philippines tuyên bố chủ quyền, cũng như trong cuộc đối đầu hải quân Philipppines-Trung Quốc kéo dài nhiều tháng ở Bãi cạn Scarborough hồi năm 2012.

Mỹ đã liên tục từ chối làm rõ liệu các cam kết của hiệp ước có áp dụng tại Biển Đông hay không, nơi Philippines đang mâu thuẫn với một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác.

Hơn nữa, có những hoài nghi liệu hiệp ước có cung cấp sự giúp đỡ quân sự thích hợp trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Philippines với bất kỳ bên thù địch thứ ba nào hay không. Theo Chương IV của hiệp ước, mỗi bên “sẽ hành động để đối phó các mối đe dọa chung (trong thầm quyền khu vực của họ) phù hợp với các quy trình hiến pháp của nó”.

Điều này có nghĩa Quốc hội Mỹ, và rộng hơn là dư luận Mỹ, có thể trì hoãn và từ chối các nỗ lực can thiệp quân sự khẩn cấp bởi bất kỳ chính quyền Mỹ nào dưới danh nghĩa đồng minh Philippines.

Thậm chí tệ hơn, ví dụ Washington đã làm rõ Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật 1951 áp dụng cho tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại Biển Hoa Đông. Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật cũng quy định rằng quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản “có thể được sử dụng để đóng góp... cho an ninh của Nhật Bản nhằm chống lại tấn công vũ trang từ bên ngoài”.

Vấn đề lớn khác nằm ở cách giải thích hạn hẹp của Mỹ về hiệp ước phòng thủ chung. Khởi đầu với chính quyền Nixon vào những năm 1970 của thế kỷ trước, Washington đã giới hạn các cam kết của mình đối với bất kỳ “cuộc tấn công nào của các lực lượng (Philippines) được triển khai nhằm vào nước thứ ba”, nhưng không phải trong các tình huống “nơi việc triển khai nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ Philippines”.

Mỹ chính thức duy trì “sự trung lập” đối với hiện trạng chủ quyền của các đảo tranh chấp tại Biển Đông, nơi Philippines chiếm đóng 9 thực thể.

Manila lo lắng liệu họ có thể trông cậy vào hỗ trợ quân đội của Mỹ hay không nếu Trung Quốc hay các quốc gia đối thủ có tuyên bố chủ quyền khác trực tiếp đe dọa các tuyến đường cung ứng và quân đồn trú của mình tại khu vực này.

Bằng việc kêu gọi đánh giá lại quan hệ, việc thiết lập phòng thủ với Philippines có thể hy vọng hối thúc Mỹ xem xét lại nội dung và cách giải thích của Hiệp ước phòng thủ chung theo cách khiến hai bên thỏa mãn. Đổi lại, Manila có thể sẽ cho phép quân đội Mỹ mở rộng tiếp cận các cơ sở quân sự của họ, cụ thể là căn cứ không quân Bautista và Basa ở Biển Đông.

Dù vậy, quá trình đánh giá này cũng mở ra khoảng trống cho những chỉ trích cũng như những đề nghị cho các mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc nhằm kêu gọi Philippines chính thức chấp nhận một chính sách trung lập về chiến lược và, theo đó, hạ thấp quan hệ liên minh song phương Philippines-Mỹ.

Điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra nếu Washington vẫn giữ chính sách mơ hồ về chiến lược trước các cam kết của mình với Philippines tại Biển Đông. Ba năm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ đang tạo ra một bước ngoặt lịch sử.