Rượu bia và sức khỏe ngày tết

Rượu, bia - đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, đặc biệt là dịp lễ, tết. Thường trong những ngày này lượng rượu, bia tiêu thụ tăng cao, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.

Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể mù mắt và tử vong cao, đặc biệt khi sử dụng rượu rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.

Uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột, đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch uống rượu gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra, uống rượu còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần. Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có nhiều tác hại như gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ...

Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi sắp tới và các ngày lễ hội đầu xuân, các chuyên gia khuyến cáo như sau: Uống dưới 2 đơn vị cồn /ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần; không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú; đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho bệnh nặng lên. (Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén  rượu mạnh 30 ml (40%)).