Chung tay hiến máu dự trữ cho điều trị bệnh trong và sau tết

Hiến máu cứu người luôn là nghĩa cử cao đẹp, đặc biệt là trong các đợt thiếu máu trầm trọng như dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Viện Huyết học-Truyền máu kêu gọi, mọi người hãy chung tay tham gia hiến máu, để việc điều trị cho các bệnh nhân không bị gián đoạn, cũng là để những ngày Tết thêm ý nghĩa, an vui.

Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.

Theo Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, sau hơn 20 năm Việt Nam tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện, tỷ lệ dân số tham gia hiến máu đã tăng cao từ 0% lên 1,4-1,6 % so với khuyến cáo của thế giới là 2% (2% dân số tình nguyện tham giá hiến máu sẽ đảm bảo lượng máu để phục vụ công tác điều trị).

Trong những năm qua, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương từng bước nâng cao chất lượng hiến máu tình nguyện theo tiêu chí chất lượng, hiệu quả và bền vững. Năm 2018 số lượng máu được tiếp nhận tăng 5-10% so với năm 2017, trong đó tỷ lệ đơn vị máu hiến trên 250ml đạt trên 60%, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại trên 50%.

Nhằm vận động người dân tham gia hiến máu nhắc lại, kịp thời khắc phục tình trạng khan hiến máu, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã triển khai nhiều biện pháp như: nhắn tin, gọi điện mời hiến máu; tổ chức các phong trào kêu gọi hiến máu; tổ chức thêm các ngày hội, các điểm hiến máu để người hiến máu có thêm nhiều lựa chọn về thời gian và địa điểm hiến máu. Bên cạnh các chương trình hiến máu tình nguyện được tổ chức thường xuyên, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng phối hợp với các bên liên quan tổ chức các phong trào hiến máu lớn như: Hành trình đỏ, Chủ nhật đỏ, Lễ hội Xuân hồng… nhằm huy động máu để đảm bảo nhu cầu máu trong điều trị.

Về phía Bộ Y tế, để nâng cao tinh thần hiến máu nhân đạo, Bộ cũng đã cho phép việc tặng các gói xét nghiệm cho người hiến máu tình nguyện thay cho việc trao tặng những món quà lưu niệm như trước đó. Cụ thể những tình nguyện viên tham gia hiến máu sẽ được thực hiện các gói tổng phân tích máu, thăm dò chức năng tế bào của gan, thận, chẩn đoán hình ảnh... Đây là những món quà hết sức thiết thực dành tặng những người có nghĩa cử cao đẹp cho đi giọt máu quý giá của mình.

Tuy nhiên, đối tượng hiến máu ở Việt Nam phần đông là học sinh, sinh viên (chiếm khoảng 50%) nên vào các dịp nghỉ hè và Tết, các em được nghỉ học, không tham gia hiến máu được khiến lượng máu thiếu trầm trọng. Cũng như mọi năm, thời điểm này, các bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu máu. Từng ngày, từng giờ người bệnh đang trông chờ những dòng máu nóng được sẻ chia từ cộng đồng, đặc biệt là nhóm máu O để cứu chữa cho nhiều người.

Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cần 1.200-1.500 đơn vị máu, trong đó cần 700 đơn vị máu nhóm O để phục vụ 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Để đảm bảo lượng máu phục vụ cho điều trị và cấp cứu cho người bệnh dịp cuối năm và Tết nguyên đán không bị khan hiếm, đặc biệt là nhóm máu O, đòi hỏi có tối thiểu 90.000 đơn vị máu, trong khi lượng máu dự trữ của Viện hiện còn rất ít.

Là một trong những bệnh viện lớn, mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có từ 150 ca mổ lớn, 30 ca mổ cấp cứu. Tất cả những ca mổ này đều cần phải truyền máu. Vào thời điểm các nguồn cung cấp máu khan hiếm, bệnh viện đã vận động người nhà bệnh nhân, người dân và cả cán bộ y tế hiến máu để truyền cho người bệnh.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tình trạng khan hiếm máu cũng diễn ra tương tự. Mỗi ngày thành phố có khoảng 800-1.000 lượt người bệnh cần truyền máu. Từ cuối tháng 11 và trong dịp Tết, Bệnh viện cần thêm khoảng 13.000 đơn vị máu để đáp ứng nhu cầu điều trị cho hơn 100 bệnh viện trên địa bàn.

Trước nhu cầu máu rất lớn này, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương khẩn thiết kêu gọi người dân cùng chung tay tham gia hiến máu để công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh không bị gián đoạn.

Viện Huyết học-Truyền máu Trung ươngcũng bày tỏ mong muốn, năm 2019 sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng trong việc phối hợp vận động và tổ chức hiến máu với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững ổn định hoạt động tiếp nhận máu bằng những việc làm cụ thể như: đổi mới phong cách phục vụ, lấy người hiến máu làm trung tâm, tích cực vận động tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại, tăng tỷ lệ hiến máu thể tích 350ml, sắp xếp đều lịch hiến máu hàng tháng, hàng tuần, xây dựng điểm cố định tại các khu dân cư, các trung tâm thương mại, tăng số ngày, số đợt tổ chức tiếp nhận tại 1 đơn vị, triển khai thực hiện việc tặng gói quà xét nghiệm máu đến người hiến máu…