Chà đèn đón Tết…

Giáp Tết, mẹ bảo:Tthằng Năm với thằng Út làm gì làm coi nhớ chà đèn, đừng quên…. Quên sao được, cuối năm, việc nhà cửa bộn bề cách mấy cũng không thể thiếu khâu chà đèn. Chưa chà đèn là chưa thấy Tết!

Đèn đây là nói bộ đèn/lư đúc bằng đồng thau ngày thường vẫn ngự gian thờ. Qua mười hai tháng hứng bụi bặm và ẩm ướt, lớp đồng ngoài bị “teng” khiến mặt đồng xỉn lại, tối đi. Muốn đồng thau phục hồi nước sáng bóng phải mang đi chà.

Ngày tôi còn nhỏ, “chủ soái” lãnh nhiệm vụ chà đèn là anh Năm. Sau này anh Năm cưới vợ ra riêng thì đến lượt tôi. Chà đèn khá nhọc: phải có đàn ông mạnh tay chà đèn mới sáng nên chị Ba, chị Tư thường được “miễn trừ”. Mẹ thì đương nhiên, chỉ lo khâu nhắc nhở mà thôi. Qua hăm ba tháng chạp, lựa ngày có nắng đẹp anh Năm sẽ dựng đầu tôi dậy sớm, kêu đi cắt lá thơm (dứa) về rọc gai, giã dập, chuẩn bị chà đèn. Yên tâm, sai vụ gì tôi co đầu rụt cổ, riêng “cắt lá thơm” thì không. Còn hỏi: Thấy chà đèn là xem như thấy Tết, sướng gần bằng… lên tiên, co rụt nỗi gì! Giã dập mớ lá thơm, xúc kèm mẻ tro, đổ đầy 2 thau nước lớn cộng thêm vài túm giẻ lau là xong khâu chuẩn bị. Anh Năm khệ nệ bê mớ đèn lư phủ bụi bày cả ra thềm. Tháo rời các khớp nối, cầm túm lá thơm quệt vào tro bếp bắt đầu chà từng món một. Nước lá thơm chua lãnh nhiệm vụ làm bong ô xýt, tro bếp giúp tạo độ nhám “đẩy bay” lớp ô xýt khỏi bề mặt đồng. Chà mạnh tay cho đến khi nào màu xỉn đen trôi hết, lộ ra mặt đồng sáng bóng, lung linh mới thôi. Cho vào nước rửa sạch, lau, xong đem phơi nắng lập tức cho khô, tránh tình trạng đồng nhanh chóng tái diễn trạng thái “teng” do ẩm ướt. Anh Năm chủ lực lãnh chà những món to nặng, khó sáng như mâm đèn hoặc cái lư đồng có nắp đậy đính con lân ngồi chồm chỗm bên trên. Phần tôi các trụ hoặc đế đèn nhỏ gọn. Tôi tính lanh chanh, chà món này chưa kịp sáng đã bỏ ngang, vớ sang món khác. Anh Năm hét: Mày chà món nào cho nên thân món đó, không thôi xê chỗ khác để tao làm! Anh hét có chừng vậy chứ tôi đời nào chịu xê. Còn hỏi: Chà đèn tuy nhọc nhưng vui. Vui nhất là khi nhìn từng mảng “áo đồng” xỉn đen tuần tự bị lột bay dưới đôi tay chà mạnh mẽ của anh Năm phơi màu đồng mới lung linh - chợt cảm giác mùa Xuân đang về đâu đó, rất gần…

Người dân Phước Diêm (Thuận Nam) Chà đèn nhân dịp Tết đến, Xuân về . Ảnh Văn Nỷ

Sau này người ta có bán thuốc chà đèn thỏi màu xanh, đem đập nhỏ trộn cùng dầu hỏa, tiện lợi và mau sáng hơn dùng tro bếp với lá thơm. Chà xong chỉ cần dùng giẻ lau thật sạch thuốc bám rồi đem phơi, không phải rửa nước. Tôi thành người thế chỗ anh Năm, lo “tổng quản” vụ chà đèn mỗi khi Tết đến. Mẹ tôi vốn nặng truyền thống: Tết nhất ăn uống có sơ sài chút không sao, nhưng nhà cửa phải tinh tươm, đặc biệt bộ đèn thờ không thể không chà! Còn nhớ có năm tôi bận quá, nói với mẹ: Hay Tết này mình “cho qua” vụ chà đèn một năm nha mẹ? Mẹ lặng thinh không phản đối nhưng trông buồn. Biết ý, những năm sau này dù bận cách mấy tôi cũng ráng thu xếp, chừa ra một ngày tháng chạp để chà đèn…

Giờ thì mẹ đã đi xa. Cũng không ai ngồi hì hục chà đèn kiểu “thủ công” mỗi khi Tết đến. Tháng chạp, những thợ chà đèn đã lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm gần xa “tiếp thị” dịch vụ chà đèn bằng máy. Thời gian mang đến và cũng lấy đi nhiều thứ, trong đó có niềm vui tuổi nhỏ mỗi độ tháng chạp về nghe anh kêu đi cắt lá thơm chuẩn bị chà đèn…